SharePoint
Liên kết web
 
 

Lào Cai ban hành Nghị quyết phát triển CNTT-TT giai đoạn 2019 – 2025

28/08/2019 15:30
(TTCNTT) - Động lực để Lào Cai đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Xác định cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là cơ hội, động lực để Lào Cai đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số, Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết số 22 về Phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT), giai đoạn 2019 - 2025.

Phát triển CNTT-TT nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng cuộc sống

Với phương châm, lấy CNTT-TT là công cụ quan trọng thúc đẩy lộ trình chuyển đổi nền quản trị, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong giai đoạn 2019 – 2025, Lào Cai sẽ nâng cấp hạ tầng, liên thông và phát triển CNTT-TT trở thành động lực, công cụ, phương tiện trong quản lý xã hội; Phấn đấu duy trì chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SiPas), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Theo đó, Lào Cai sẽ tiếp tục xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT-TT hiện đại, đồng bộ, ứng dụng CNTT sâu rộng, phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT, nâng cao an toàn thông tin (ATTT) trong toàn hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính, công khai, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh.

Lào Cai cũng đặt mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử tổng thể hình thành Chính quyền số thống nhất trên địa bàn tỉnh tuân thủ Khung kiến trúc Chính quyền điện tử; Phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững tại khu đô thị trọng điểm (TP. Lào Cai và Sa Pa), phục vụ người dân, xã hội ngày một tốt hơn, nâng cao sự hài lòng, chất lượng cuộc sống của người dân.

Đồng thời ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 hướng đến nền kinh tế số, xã hội số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Các nhóm giải pháp trọng tâm

Nghị quyết đã đề ra các nhóm giải pháp:

Tổ chức, quản lý phát triển CNTT-TT; Phát triển hạ tầng CNTT-TT; Xây dựng nền tảng dữ liệu, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phục vụ hoạt động trong toàn hệ thống chính trị và xã hội; Phát triển các dịch vụ, hệ sinh thái, phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững; Nâng cao ATTT, an ninh mạng; Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT; Đảm bảo nguồn lực kinh phí cho phát triển CNTT-TT;

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với phát triển, ứng dụng CNTT-TT trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết phát triển CNTT-TT với cải cách hành chính và đảm bảo quốc phòng - an ninh là các nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh Lào Cai đề ra nhằm Phát triển CNTT-TT trở thành động lực, công cụ, phương tiện trong quản lý xã hội.

Trọng tâm là việc xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu, trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm của tỉnh, có chức năng quản lý cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin, điều hành Đô thị thông minh, Chính quyền điện tử, hệ thống hành chính công điện tử của tỉnh. 

Hoàn thành xây dựng các hệ thống nền tảng gồm: hệ thống kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), đảm bảo kết nối với các hệ thống thông tin của Trung ương, đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh, Khung Chính phủ điện tử và Kiến trúc tổng thể CNTT-TT trong các cơ quan Đảng.

Số hóa, tạo lập kho dữ liệu, tổ chức các hệ thống thông tin, hệ sinh thái số đảm bảo tính kết nối, liên thông phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý của hệ thống chính trị; phục vụ người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy thực hiện lộ trình chuyển đối số trong doanh nghiệp (DN), xã hội; Ứng dụng CNTT mạnh mẽ và toàn diện trong các ngành thuế, ngân hàng, hải quan, trong quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu. Phát triển thanh toán điện tử đối với các dịch vụ công, dịch vụ số của nhà nước và xã hội; Khuyến khích các DN CNTT-TT hàng đầu của Việt Nam phát triển nội dung số, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển đổi số hình thành xã hội số, kinh tế số.

Quy hoạch, phát triển đô thị thông minh, hệ sinh thái, dữ liệu không gian đô thị hợp nhất, các dịch vụ thông minh trên các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, tài nguyên môi trường, cấp thoát nước, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, an ninh, năng lượng đảm bảo khả năng tương tác, liên kết, liên thông, phục vụ giám sát, phân tích, quản trị đồng bộ đô thị.

Thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực dịch vụ an sinh xã hội như: bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và quản lý trật tự đô thị.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuẩn hóa công dân điện tử, công chức điện tử đáp ứng Chính quyền điện tử, từng bước phát triển lực lượng lao động số đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc CMCN 4.0.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phát triển, ứng dụng CNTT-TT đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển CNTT-TT trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo phát triển, ứng dụng CNTT-TT để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, lĩnh vực, địa phương được giao phụ trách.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp và du khách, đảm bảo cho mọi đối tượng được truyền thông và tiếp cận sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh.

Việc Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết khẳng định sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT, khẳng định vị trí, vai trò của CNTT trong xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

 (Nguồn: http://ictvietnam.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây