(TTCNTT) - Sáng 26/7, tại khách sạn Vinpearl Huế, đã khai mạc Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019. Hội thảo do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ đề hội thảo năm nay là “Phát triển cổng dịch vụ công Quốc gia và giải pháp tích hợp hệ thống một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Đến dự có ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội thảo Quốc gia Chính phủ điện tử được tổ chức trong bối cảnh làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu có tác động mạnh mẽ, lan tỏa tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hứa hẹn tạo thêm nhiều cơ hội, động lực mới cho ngành thông tin và truyền thông trong việc nâng cao năng lực quản trị, tự động hóa quy trình nghiệp vụ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua đã triển khai một bước chuyển đổi quan trọng đó là phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Với thời gian rất ngắn, mô hình này đã phát huy hiệu quả, qua đó thúc đẩy, điều chỉnh ngược trở lại việc hoàn thiện quá trình xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương từ nền tảng công nghệ và tư duy mới. Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận tin vui là được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á. Tôi hy vọng qua hội thảo này có thể chia sẻ những kinh nghiệm Thừa Thiên Huế đạt được cũng như mong muốn thông hội thảo nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia để sớm hoàn thiện mô hình, lộ trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh của địa phương.”
“Hội thảo hôm nay sẽ là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phát triển Chính phủ điện tử với quan điểm: bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2019 với các nội dung đáng chú ý là giới thiệu lộ trình phát triển cổng dịch vụ công và khung kiến trúc chính phủ điện tử 2020 - 2025 của Chính phủ; Giới thiệu các mô hình kết hợp smart city và chính phủ điện tử của các nước phát triển trên thế giới; Giới thiệu mô hình, kinh nghiệm phát triển chính phủ điện tử tại các quốc gia phát triển như Singapore, Pháp; Giới thiệu các hình thức hợp tác quốc tế nhằm phát triển chính phủ điện tử và thành phố thông minh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; Giới thiệu các giải pháp xây dựng và hiện đại hóa cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó nhắm trọng điểm là giải pháp định danh điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công trực tuyến và bảo mật cho chính phủ điện tử.
Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Với vai trò là cơ quan đồng chủ trì, chúng tôi đánh giá rất cao và rất vui mừng hội thảo quốc gia này diễn ra trong thời điểm Chính phủ rất quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động, một Chính phủ liêm chính và một Chính phủ phục vụ hướng tới người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đều biết, xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó vì Chính phủ điện tử đã giúp cho sự minh bạch, sự giám sát, trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước; đặc biệt không để ai lại phía sau theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Như vậy, Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của Chính phủ.”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết thêm: “Ứng dụng CNTT với mục tiêu hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và chúng ta phải khẳng định là phát triển Chính phủ điện tử dựa trên những dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.”
Tổng cộng, có 21 diễn giả là chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước về chính phủ điện tử, các đơn vị tư vấn và xây dựng, phát triển giải pháp công nghệ trong nước và quốc tế tham gia báo cáo, trình bày tại hội thảo.
Diễn ra song song với Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là triển lãm các thành tựu công nghệ phục vụ việc xây dựng hạ tầng hệ thống, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử và các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ cổng dịch vụ công quốc gia, các giải pháp phát triển thành phố thông minh.../.
(Nguồn: http://mic.gov.vn)