Cũng trong thông tin chia sẻ về nội dung dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia hiện đang được Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Thành Phúc đã chỉ rõ, một nhóm mục tiêu lớn của Chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2030 chính là nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, với các chỉ tiêu được đề xuất là tốc độ tăng trưởng kinh tế số trung bình 20%/năm và đặc biệt là năng suất lao động bình quân sẽ tăng 7-8%/năm. “Nếu không chuyển đổi số thì mức tăng năng suất lao động của Việt Nam được dự báo chỉ tăng khoảng 5-6%, song nhờ chuyển đổi số mà năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng được 7-8%. Chúng ta cũng phấn đấu có tên trong Top 20 thế giới, Top 3 khu vực ASEAN về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay.
Đề cập đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhấn mạnh đây là lĩnh vực Việt Nam cần quan tâm hơn cả, người đứng đầu Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT cũng cho rằng, cần có những nền tảng hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số và đặc biệt là Chính phủ cần có những chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, bao gồm chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và xu hướng chuyển đổi số, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
“Khi doanh nghiệp tham gia công cuộc chuyển đổi số, họ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Chính phủ cần luôn luôn sẵn sàng để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, có như vậy họ mới không nản chí trong quá trình chuyển đổi”, đại diện Cục Tin học hóa lý giải.
Trong dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Cục Tin học hóa cũng đã đề xuất việc Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ thường xuyên tổ chức, đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và công bố nhằm tạo ra một sự nhận thức cũng như hành động trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Đại diện Cục Tin học hóa cũng chia sẻ thêm, trong chuyển đổi số doanh nghiệp, có những lĩnh vực Việt Nam có nhiều cơ hội như thương mại điện tử, đặc biệt là phát triển kinh tế chia sẻ. Bên cạnh đó, có thể kể đến một số lĩnh vực trong chuyển đổi số như tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, nông nghiệp. “Đây là những lĩnh vực Việt Nam có cơ hội rất lớn”, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh.
Xem xét vấn đề ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank), Phó Chủ tịch các Hội, Hiệp hội: Tin học Việt Nam, Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Truyền thông số Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình nhanh hay chậm, thành công hay thất bại tùy thuộc chính vào quyết tâm của tất cả mọi người tham gia và tiên quyết là vai trò của lãnh đạo. Chuyển đổi số Việt Nam muốn thành công thì vai trò, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt của Đảng và Chính phủ là điều kiện tiên quyết.
Cũng theo ông Thắng, để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, cần đáp ứng điều kiện “tập 3M” gồm “Muốn” - Thể hiện mong muốn, khát vọng; “Mần” - Phải làm ngay, máu lửa, quyết liệt; và “Money” - Tiềm lực để thực hiện.
“Như vậy, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số thì cần lựa chọn lĩnh vực nào, mục tiêu nào đáp ứng ngay được 3M như trên thì Chính phủ tạo cơ chế thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện ngay để làm mũi nhọn đột phá và kéo theo các lĩnh vực khác thực hiện chuyển đổi số”, ông Thắng nêu quan điểm.
Có cùng quan điểm với người đứng đầu Cục Tin học hóa, ông Thắng nhận định, doanh nghiệp có thể đi tiên phong trong chuyển đổi số và chuyển đổi số nhanh. “Bởi lẽ, doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo vì chính lợi ích, sự sống còn của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp sử dụng nguồn lực hiện có hay phải tự mình tạo ra nguồn lực để đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp tư nhân ra quyết định, thực hiện quyết liệt theo ý chí cá nhân/ cổ đông bỏ vốn đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình. Cùng với đó, doanh nghiệp tạo ra công nghệ, làm ra sản phẩm hàng hóa, xây dựng hệ sinh thái kết nối trong nền kinh tế số phục vụ chính quyền, doanh nghiệp và công dân số”, ông Thắng phân tích.
Nói về những yếu tố cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, ông Thắng liệt kê hàng loạt điều kiện như: khung pháp lý của nhà nước, Chính phủ theo hướng kiến tạo, mở đường cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hạn chế được rủi ro về pháp lý; chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số, trong đó quan trọng nhất là cho phép thử nghiệm sản phẩm mới, công nghệ mới của Việt Nam còn vướng về pháp luật chưa có hoặc chưa phù hợp với đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn; tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết cảu xã hội, công dân về lợi ích của chuyển đổi số và hưởng thụ công nghệ số, định chuẩn cơ bản chuyển đổi số cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về chuyển đổi số; đầu tư thỏa đáng của Chính phủ về xây dựng hạ tầng công nghệ dùng chung mà chỉ có nhà nước mới làm được; cung ứng nguồn nhân lực chuyển đổi số.
“Đồng thời, chính sách khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (Trung tâm khởi nghiệp quốc gia) và vai trò tư vấn, hỗ trợ của các Hiệp hội, Câu lạc bộ công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ dịch vụ về chuyển đổi số cũng là những yếu tố cần có để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số”, ông Thắng cho hay.
(Nguồn: ictnews.vn)