Sáng 13/5 tại Trung tâm văn hoá Phật giáo Tam Chúc đã diễn ra 5 hội thảo với các chủ đề khác nhau trong khuôn khổ đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019: Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Tham dự Hội thảo: Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ, những thay đổi trong xã hội thực mà thế giới ảo tạo ra đang tác động không nhỏ đến sức mạnh văn hoá tinh thần, trong khi văn hoá và tinh thần dân tộc đang được xem là "sức mạnh mềm", và được kỳ vọng sẽ là đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Tư tưởng, triết học, thế giới quan, nhân sinh quan, các triết lý nhân văn, hướng thiện… của Phật giáo đều có thể phát huy rất tích cực giá trị của mình trong việc khắc chế những tác động tiêu cực.
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam cụ thể là Ban Thông tin truyền thông đã đi đầu tiên phong trong công nghiệp 4.0, có đột phá về số hóa văn bản hành chính và đặc biệt là sự hiện đại trong việc truy cập các thông tin, văn kiện và các bài tham luận của Đại lễ Vesak LHQ 2019 qua mã code QR", Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ.
Thứ trưởng đánh giá, với vai trò là một tôn giáo lớn của đất nước, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo còn góp phần xây dựng niềm tin và sự tự tin của con người, dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước hùng cường. Niềm tin và sự tự tin sẽ khơi dậy tinh thần của dân tộc, góp phần tạo ra sức mạnh vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Một nhà sư đã nói: Muốn đi xa phải về gần. Chúng ta muốn phát triển vươn tới những tầm cao mới phải giữ cái gốc là đạo đức xã hội, triết lý nhân văn, hướng thiện, nền tảng văn hoá và tinh thần dân tộc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa chúng ta đi rất xa, nhưng hành trình này chỉ có ý nghĩa khi đích đến là một xã hội ổn định, một thế giới hoà bình, người dân hạnh phúc. Vì vậy, các giá trị của Phật giáo bảo vệ và phát triển sẽ tiếp tục rất hữu ích để chúng ta vững vàng tiến bước trên hành trình này", Thứ trưởng bày tỏ.
Bộ Thông tin và Truyền thông mong đợi Hội thảo lần này sẽ làm sâu sắc thêm vai trò của Phật giáo đối với Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như vai trò của Phật giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
Hoà thượng Thích Nhật Từ cho rằng, cách mạng công nghệ 4.0 cũng có những mặt trái của nó và nhiệm vụ của con người là phải cân nhắc trước mỗi sự việc.
"Cái gì cũng có hai mặt. Khi chúng ta lạm dụng kỹ thuật số rủi ro phá hoại an ninh cảm xúc và an ninh tâm trí bằng các trang web, hình ảnh bẩn, làm chúng ta rất khó làm chủ 6 giác quan để trở thành chân nhân cho đến thánh nhân. Cân nhắc giữa mặt hại và lợi người sử dụng truyền thông kỹ thuật số cần phải làm chủ chính mình để dùng các phương diện tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.
Mặt tác hại của truyền thông kỹ thuật số có thể gấp hàng triệu lần so với mặt tích cực nhưng chúng ta không thể đứng ngoài cuộc sống số. Vấn đề là phải nắm vững bản chất đời sống số để khi sử dụng mặt tích cực của truyền thông kỹ thuật số, chúng ta không bị ô nhiễm bởi các phương diện tiêu cực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4", hoà thượng Thích Nhật Từ chia sẻ.
Hoà thượng Thích Tấn Đạt lại có tham luận khá gần với thực tiễn hoằng pháp tại Việt Nam bởi theo hoà thượng, hoằng pháp hay hoằng dương chánh pháp trở thành nhiệm vụ then chốt, quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai:
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế, một tiến bộ lớn của loài người không ai có thể đảo ngược. Chúng ta, hàng tăng ni với trọng trách cầm ngọn đuốc chánh pháp, với trí tuệ của người con Phật cùng tinh thần khế lý, khế cơ, khế xứ, khế thời rất cần học hỏi, nắm bắt và tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng này để áp dụng vào lĩnh vực hoằng pháp độ sinh. Làm được như thế, chúng ta sẽ hoằng truyền giáo lý vi diệu của Đức Phật một cách hữu hiệu trong thời đại văn minh với những thành tựu tiên tiến của khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, với trải nghiệm của bản thân, tôi xin nhấn mạnh rằng dù nền văn minh loài người phát triển như thế nào, dù xã hội chúng ta chuyển biến ra sao, việc tu tập, trau dồi Tam vô lậu học, chí nguyện độ sanh và lộ trình giải thoát, giác ngộ vẫn là cứu cánh cho bản thân mỗi người, cho tăng ni Phật tử cũng như toàn xã hội.
Cho nên, cố gắng nắm bắt công nghệ 4.0 để ứng dụng trong sứ mạng hoằng pháp, nhưng chúng ta vẫn không quên phát huy những giá trị cốt lõi, tinh hoa của giáo pháp sinh động của Đức Thế Tôn. Nguồn năng lượng an lành nơi thân tâm, một trí tuệ tuyệt vời, một kiến giải vô ngã vị tha, dung nhiếp tất cả các pháp, giúp lòng người thanh thoát an vui, chuyển hóa não phiền, ra khỏi đau khổ, luân hồi sanh tử".
(Nguồn: http://mic.gov.vn)