Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 5/3/2019 của Thường trực Chính phủ về Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Văn phòng Chính phủ về Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia nêu tại Báo cáo số 1734 ngày 3/3/2019.
“Chủ trương thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp đúng đắn để thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và đã được chỉ đạo tại Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia là chậm so với chỉ đạo của Chính phủ”, thông báo kết luận cho hay.
Nhận định việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia là vấn đề khó, phức tạp, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Văn phòng Chính phủ trong thời gian qua đã chủ động, phối hợp với Bộ TT&TT, các cơ quan có liên quan, chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Cổng dịch vụ công quốc gia là hệ thống quan trọng, kết nối với toàn bộ quy trình hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các dịch vụ công, chứa nhiều thông tin, dữ liệu và ảnh hưởng đến các hoạt động giao dịch của người dân, doanh nghiệp. Do vậy, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin của hệ thống và tính chính xác, an toàn trong các giao dịch điện tử. “Văn phòng Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của hệ thống”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Đối với giải pháp xác thực định danh trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần bảo đảm tính chính xác, an toàn, trước hết đồng ý sử dụng giải pháp xác thực định danh qua mã số bảo hiểm xã hội, mã số thuế, mã số doanh nghiệp và định danh di động tích hợp chữ ký số. Sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống căn cước điện tử được triển khai sẽ bổ sung giải pháp xác thực qua thẻ Căn cước điện tử.
Cũng theo thông báo kết luận, Thủ tướng Chính phủ nhất trí phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dịch vụ công. Trong Đề án giải pháp tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT, Văn phòng Chính phủ cần làm rõ phạm vi, yêu cầu kỹ thuật, mức độ bảo đảm an toàn thông tin của Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu này.
Các Bộ TT&TT, Công an và Văn phòng Chính phủ được yêu cầu phải khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; quy chế vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia và các giao dịch điện tử.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung nguồn lực triển khai xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định tại Quyết định 985 ngày 8/8/2018 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương vận hành thí điểm Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình trước khi triển khai trên toàn quốc.
Cùng ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
(Nguồn: ictnews.vn)