SharePoint
Liên kết web
 
 

Văn phòng Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực để triển khai Nghị quyết về Chính phủ điện tử

14/03/2019 15:49
(TTCNTT) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực để tập trung triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020.

Trong phát biểu tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia diễn ra chiều ngày 12/3/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, việc phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao cho VPCP triển khai thực hiện theo Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 7/3/2019.

“Chúng tôi nhận thức sâu sắc việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn bó hữu cơ, mật thiết với công cuộc cải cách hành chính, cải cách thể chế và ứng dụng CNTT. Trục liên thông văn bản quốc gia mới là kết quả bước đầu và hành trình đi đến Chính phủ số, nền kinh tế số còn đầy gian nan và rất nhiều việc phải làm như đã nêu trong Nghị quyết 17”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng đề nghị sự chung tay, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp của các cơ quan đóng vai trò nòng cốt như Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các doanh nghiệp nhà nước về CNTT, các doanh nghiệp tư nhân giỏi về CNTT và các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, chuyên gia các nước trong hành trình xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.

Người đứng đầu VPCP cũng cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ ưu tiên nguồn lực để tập trung triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển CPĐT; Xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ không giấy tờ (eCabinet); giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương; hệ thống tham vấn chính sách (eConsultation).

Đặc biệt, VPCP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương trong việc gửi, nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thông tin báo cáo, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính, công báo điện tử với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Theo kế hoạch của VPCP, trước hết, trong quý III/2019, dự kiến là cuối tháng 6, VPCP sẽ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) và quý IV/2019 sẽ khai trương, đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cũng trong quý IV/2019, sẽ nâng cấp Trục liên thông văn bản quốc gia trở thành Nền tảng tích hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

“Như Thủ tướng đã giao, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ thực hiện thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe được kết nối từ Trung ương đến địa phương là một thủ tục đầu tiên phục vụ người dân theo hình thức minh bạch, công khai, doanh nghiệp đầu tư và nhà nước thuê lại”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

Tại Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, với vai trò là cơ quan đầu mối xây dựng CPĐT, VPCP đã giao chủ trì thực hiện 16 giải pháp cụ thể thuộc các nhóm nhiệm vụ: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển CPĐT; Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT phù hợp với xu thế phát triển CPĐT trên thế giới; Xây dựng, phát triển CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.

Cụ thể, Chính phủ giao VPCP chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai: xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 138 ngày 1/10/2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ phù hợp với phương thức làm việc, chỉ đạo điều hành thông qua môi trường mạng, hoàn thành trong tháng 10/2019; xây dựng Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hoàn thành trong tháng 12/2019; xây dựng các Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet), Giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương, Hệ thống tham vấn chính sách (eConsultation), với thời hạn hoàn thành của cả 4 Đề án này đều là trong tháng 3/2019.

Đồng thời, chủ trì với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa vào vận hành năm 2019, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020-2025; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai trong giai đoạn 2019-2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025.

VPCP cũng chịu trách nhiệm chủ trì triển khai các nhiệm vụ: xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiến tới triển khai phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND cấp tỉnh để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đưa vào vận hành trong năm 2019, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025; xây dựng Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để rút ngắn thời gian xử lý, giảm họp, giảm giấy tờ hành chính, công khai quá trình tiếp thu ý kiến, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt và trách nhiệm giải trình của các cơ quan soạn thảo, đưa vào vận hành trong tháng 12/2019, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020-2025…

(Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây