SharePoint
Liên kết web
 
 

Việt Nam hướng tới xây dựng Chính phủ số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

11/02/2019 10:07
(TTCNTT) - Trong giai đoạn mới, Việt Nam sẽ phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và ra quyết định điều hành dựa trên dữ liệu số.

Trích lục khai sinh, nộp thuế qua mạng trong “1 nốt nhạc”

Chị Hải Yến, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, thay vì phải mất tới cả buổi để thực hiện các thủ tục hành chính như giai đoạn trước, mới đây qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của TP.Hà Nội, chị chỉ mất khoảng 5 phút là đã làm xong thủ tục trích lục khai sinh, nhận mail lịch hẹn từ hệ thống. “Tôi có việc cần có bản sao Giấy khai sinh mà bản chính đã bị thất lạc do chuyển nhà. Lâu nay tôi vẫn nghĩ dịch vụ hành chính công của mình nhiêu khê, phức tạp, mất thời gian nhưng thực tế khi thực hiện trích lục khai sinh qua Cổng DVCTT Hà Nội, tôi đã khá bất ngờ khi có thực hiện xong chỉ trong 1 nốt nhạc. Hệ thống hướng dẫn khai dễ hiểu, tốc độ load ảnh hồ sơ cũng khá nhanh, sau khi hồ sơ được xử lý xong còn có tin nhắn mời đến nhận”, chị Yến nói.

Còn theo chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Huyền, nhân viên Công ty CP Năng lượng Hòa Phát, làm việc ở bộ phận kế toán, chị thường xuyên phải thực hiện các thủ tục khai thuế, nộp thuế cho doanh nghiệp mình. Với những cải cách của ngành Thuế, hiện nay việc được xử lý khá nhanh, chỉ mất vài phút.

Hà Nội và ngành Tài chính là 2 trong nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai cung cấp DVCTT mức độ cao, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Theo thống kê của Bộ TT&TT, đến quý IV/2018, các bộ, ngành đã cung cấp 1.721 DVCTT mức độ 3, 4 và số lượng DVCTT mức 3, 4 các địa phương cung cấp là 45.247 dịch vụ.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam trong 2 kỳ gần đây - năm 2016 và 2018 đều tăng. Cụ thể, năm 2016, chỉ số phát triển CPĐT Việt Nam xếp thứ 89/193 quốc gia, trong đó chỉ số DVCTT tăng 8 bậc. Năm 2018, cùng với việc tăng 1 bậc về Chỉ số CPĐT, Việt Nam đã cải thiện 2/3 chỉ số thành phần, với chỉ số phát triển nguồn nhân lực tăng 7 bậc, chỉ số DVCTT tăng 15 bậc. Các chuyên gia công nghệ của FPT, DTT nhận định, sự phát triển đáng mừng của DVCTT thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan nhà nước trong 2 năm qua đã được xã hội, quốc tế ghi nhận.

Các chuyên gia cũng cho hay, đối chiếu theo Mô hình về mức độ hoàn thiện của Chính phủ số của Gartner-phiên bản 2.0 với 5 giai đoạn và các mức độ trưởng thành tương ứng gồm CPĐT (Khởi đầu), Chính phủ mở (Đang phát triển); Chính phủ tập trung vào dữ liệu (Được xác lập), Chính phủ hoàn toàn số hóa (Được quản lý); Chính phủ thông minh (Tối ưu hóa), hiện Việt Nam đang quá độ từ giai đoạn 1 qua giai đoạn 2 mà trong đó Dữ liệu đóng vai trò quan trọng gồm cả thể chế, khả năng tích hợp/ chia sẻ dữ liệu và các tập dữ liệu mở chia sẻ cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đánh giá kết quả xây dựng CPĐT năm 2018, Văn phòng Chính phủ nêu rõ các tồn tại, hạn chế: hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu triển khai chậm; các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành; một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng trong xây dựng CPĐT cũng còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện, ảnh hưởng đến triển khai CPĐT. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo các chuyên gia là do hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, thiếu hệ thống/nền tảng liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến nhiều số liệu không thống nhất; thiếu khung pháp lý…

Người dân sẽ chỉ phải cung cấp thông tin một lần với một loại dữ liệu

Trao đổi với Bưu điện Việt Nam, CTO Công ty FPT IS Phan Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, có 3 xu hướng chuyển đổi số đang đồng thời diễn ra ở Việt Nam, đó là từ CPĐT sang Chính phủ số cho một xã hội số, nền kinh tế số; Thành phố, thành phố kết nối sang Thành phố thông minh; và Công nghiệp sang Công nghiệp thông minh hay còn gọi là Công nghiệp 4.0.

“Tham gia từ giai đoạn đầu chuẩn bị cho việc thành lập và sau đó tham gia chính thức Ủy ban Quốc gia về CPĐT, FPT nhận thấy sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, của các thành viên Ủy ban lan tỏa đến các thành viên Tổ công tác trong việc đặt độ ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và thực hiện thay đổi để việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng CSDL Quốc gia và dữ liệu mở được sớm thực hiện đúng với mục tiêu của CPĐT hướng tới Chính phủ số cho một nền kinh tế số, xã hội số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Sơn nói.

Theo TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025”, Chính phủ nêu rõ quan điểm chỉ đạo xây dựng CPĐT theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần với một loại dữ liệu. Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn phát triển mới là hoàn thiện nền tảng CPĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng CPĐT của Liên hợp quốc.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, các chỉ tiêu cụ thể của giai đoạn 2018-2020 gồm có: tỷ lệ TTHC đạt yêu cầu triển khai mức độ 3, 4 tăng tối thiểu 20%; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến/hồ sơ giải quyết đạt trên 20%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là trên 80%; tỷ lệ kết nối phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100% kết nối với Trục liên thông văn bản/50% với nội bộ; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trên mạng đạt 60% (cấp bộ, cấp tỉnh), 30% (cấp huyện) và 20% (cấp xã); tỷ lệ gửi báo cáo điện tử đạt 50%...

Đặc biệt, về định danh điện tử gồm cả việc sử dụng các công nghệ định danh như sinh trắc học, mobile, trong chỉ tiêu được nêu tại dự thảo Nghị quyết, giai đoạn 2018-2020, 10% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống CPĐT được xác thực định danh điện tử và giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ này là 40%. Theo phân tích của chuyên gia FPT, điều đó có nghĩa là trong 2 năm chúng ta có thể hy vọng hàng triệu người dân, doanh nghiệp có thể dùng xác thực điện tử trong các giao dịch CPĐT.

(Nguồn: ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây