Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT ngày 15/1/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tình hình mất an toàn an ninh thông tin trong thời gian vừa qua tại Việt Nam rất nghiêm trọng, trong đó có việc các cơ quan đảng nhà nước bị đánh cắp thông tin.
Trước thực tế này, Thủ tướng chỉ đạo không để diễn ra tình trạng Việt Nam là nước đứng trong top đầu bị lộ lọt thông tin như hiện nay. Việt Nam cần đẩy mạnh vấn đề an toàn an ninh mạng, phát triển doanh nghiệp an ninh mạng trong nước để tiến đến trở thành cường quốc an ninh mạng.
“Không chỉ là biện pháp kỹ thuật, phải bố trí ngân sách để đảm bảo an toàn thông tin, trong cấu trúc bắt buộc phải có hạng mục về an ninh mạng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần đẩy mạnh giám sát thông tin trên không gian mạng, cảnh báo thông tin cần phối hợp tốt với Bộ Công an để dự báo, giám sát và xử lý.
Trong những năm gần đây, công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin gia tăng mạnh cả về quy mô cũng như mức độ phức tạp, tinh vi, khó dự đoán.
Công bố của Kaspersky cuối năm 2017 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về mã độc tấn công các hệ thống máy tính với tỷ lệ 71,4%, đứng thứ 14 trên thế giới về mã độc tấn công qua Internet và có đến 85 triệu mã độc được nhận diện và đang tồn tại trong các hệ thống máy tính tại Việt Nam.
Còn theo kết quả cuộc khảo sát hàng năm về an toàn thông tin tại Việt Nam của VNISA, chỉ số năm 2018 chỉ đạt 45,6%, tiếp tục thấp hơn các năm 2017 (54,2%) và 2016 (59,9%).
Thống kê từ Bkav cho thấy, năm 2018, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên mức kỷ lục 14.900 tỷ đồng, tương đương 642 triệu USD, nhiều hơn 21% so với mức thiệt hại của năm 2017.
Cùng đó, có tới hơn 60% cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị nhiễm mã độc đào tiền ảo. Trung bình cứ 10 cơ quan, doanh nghiệp, có 6 nơi bị mã độc chiếm quyền điều khiển máy tính đào tiền ảo, gây mất an ninh thông tin.
Hệ thống giám sát virus của Bkav còn ghi nhận có hơn 1,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị mất dữ liệu trong năm 2018.
Trước thực trạng trên, trong năm 2019, cùng với việc xây dựng Chiến lược đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT cũng triển khai các giải pháp để cải thiện xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam tăng 20 bậc.
Trong báo cáo kết quả công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), khối các đơn vị ATTT của Bộ TT&TT gồm Cục ATTT, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung triển khai trong năm 2019.
Cụ thể, xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường phối hợp và triển khai các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; xây dựng Chiến lược đưa Việt Nam trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng; phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật An ninh mạng.
Ngoài ra, đôn đốc, theo dõi tiến độ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet triển khai các biện pháp kỹ thuật tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm ATTT của các Bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, triển khai xây dựng Nghị định về xác thực và định danh điện tử; Nghị định thay thế Nghị định 90/2008/NĐ-CP và Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác; Quy hoạch bảo đảm ATTT mạng đến năm 2030; Kế hoạch bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2021-2025; Đề án đảm bảo ATTT cho đô thị thông minh; Đề án áp dụng thí điểm tiêu chuẩn TCVN:11930 cho hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức nhà nước; Hồ sơ đề xuất cấp độ mẫu cho hệ thống thông tin cấp độ 5 và tiêu chí quy trình đánh giá phần mềm phòng chống phần mềm độc hại.
Cũng trong năm 2019, các đơn vị khối ATTT của Bộ TT&TT sẽ tiếp tục xử lý tình hình lây nhiễm mã độc tại Hà Nội và TP.HCM; triển khai hệ thống chia sẻ và phân tích thông tin về nguy cơ, rủi ro mất an toàn, an ninh mạng trong các nước ASEAN và đưa Việt Nam thành một trong những Trung tâm chia sẻ nguy cơ an toàn, an ninh mạng của ASEAN; phát triển Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm này để triển khai giám sát an toàn trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam.
(Nguồn: http://toquoc.vn)