Triển khai Chính phủ điện tử đã đi đúng hướng
Đánh giá tình hình triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2018, Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, việc xây dựng, phát triển CPĐT trong năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
“Việc triển khai CPĐT thời gian qua với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy được tính tập trung, thống nhất trong chỉ đạo và triển khai, nâng cao nhận thức của các cơ quan trong việc thực hiện, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân và những chuyên gia Việt Nam giỏi trong nước và quốc tế. Những định hướng trong triển khai CPĐT trong năm qua được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng và phù hợp với xu hướng phát triển CPĐT trên thế giới hiện nay”, báo cáo của VPCP về tình hình xây dựng CPĐT năm 2018 cũng nêu rõ.
Cùng với đó, các hệ thống nền tảng CPĐT cũng đã được nhìn nhận một cách tổng thể và đã được triển khai hoặc tiến hành thử nghiệm một số hệ thống nền tảng. Các hệ thống triển khai đều đóng vai trò quan trọng trong hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương và được người dân, doanh nghiệp ghi nhận.
Cụ thể, năm 2018, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được ban hành tạo hành lang pháp lý cho việc thiết lập, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp và trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước như Luật An ninh mạng, Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); Quyết định 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước... Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện như Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg; Nghị định về chế độ báo cáo trong cơ quan nhà nước; Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu; Nghị định về xác thực và định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Việc xây dựng nền tảng phá triển CPĐT và một số hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động của cơ quan nhà nước cũng đã được quan tâm triển khai trong năm qua. Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời đáp ứng tiếp cận kịp thời xu hướng phát triển CPĐT và nhiều công nghệ mới trong bối cảnh CMCN 4.0, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với VPCP và các bộ, ngành, địa phương xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam (phiên bản 2.0).
VPCP đã xây dựng và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Đề án giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới. Các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) nền tảng ưu tiên cho phát triển CPĐT như CSDLQG về Dân cư, Đất đai, Tài chính, Bảo hiểm đang trong giai đoạn triển khai, hoàn thiện; CSDLQG về Đăng ký doanh nghiệp được vận hành từ 2010 và hiện lưu trữ dữ liệu của khoảng 1 triệu doanh nghiệp.
Với việc triển khai các hệ thống phục vụ người dân, doanh nghiệp, VPCP nhận định, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tính đến quý IV/2018, cả nước đã có gần 47.000 DVCTT, gồm 1.721 dịch vụ do các Bộ, ngành cung cấp và 45.247 dịch vụ do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp.
Song hành với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng cũng được chú trọng trong năm qua. Với mục tiêu cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14 về nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại. Tiếp đó, giữa tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1017 phê duyệt Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ CPĐT đến năm 2020, định hướng đến 2025 nhằm tăng cường phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, hành vi, mã độc xâm phạm, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin, dịch vụ CNTT phục vụ CPĐT.
Đáng chú ý, tháng 10/2018, Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Có chức năng giám sát, là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm ATTT cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật, Trung tâm này chịu trách nhiệm quản lý, vận hành các hệ thống số liệu, CSDL về ATTT, hệ thống kỹ thuật bảo đảm ATTT mạng quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ATTT.
Ngân sách cho ứng dụng CNTT còn hạn chế, cơ chế đầu tư chậm sửa đổi
Tuy nhiên, cũng trong báo cáo tình hình xây dựng CPĐT trong năm 2018, VPCP đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) triển khai chậm, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử (LGSP) tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành. Một số CSDLQG quan trọng trong xây dựng CPĐT như: Dân cư, Đất đai, Tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến triển khai CPĐT. Việc xử lý, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy được hiệu quả; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số bộ, ngành, địa phương khác nhau.
DVCTT được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa bảo đảm tính khoa học, gây gánh nặng cho cán bộ công chức. Và mặc dù số lượng DVCTT mức 3, 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Thống kê cho thấy, số lượng DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến chỉ chiếm gần 13% ở địa phương và tỷ lệ này ở các Bộ, ngành là gần 50%.
Bên cạnh đó, ngân sách dành cho ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin gắn với cải cách hành chính còn hạn chế, cơ chế đầu tư tài chính chậm sửa đổi nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nền hành chính, chưa đủ để tạo ra đòn bẩy nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, cũng như tăng chất lượng DVC.
Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế kể trên, theo VPCP, về thể chế hiện vẫn còn thiếu các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu; xác thực và định danh cá nhân, tổ chức cho các giao dịch trên môi trường mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân; văn thư, lưu trữ điện tử; quy trình chuẩn trong giải quyết công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp DVC.
Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng CPĐT tại Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức về công nghệ, về nguồn lực tài chính cũng như trong tổ chức thực thi. Trong đó, việc chỉ đạo xây dựng CPĐT tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa gắn kết với cải cách hành chính; phối hợp giữa các cơ quan chưa linh hoạt, thiếu chặt chẽ; vẫn có tâm lý, thói quen cát cứ, không sẵn sàng chia sẻ, công khai/mở thông tin, dữ liệu... “Nguồn lực tài chính trong xây dựng CPĐT, CQĐT còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong khi nguồn lực ở các doanh nghiệp là rất lớn”, báo cáo của VPCP vạch rõ.
VPCP cho rằng năm 2019, để thúc đẩy xây dựng CPĐT tại Việt Nam, những tồn tại hạn chế kể trên cần phải được tháo gỡ, giải quyết.
(Nguồn: ictnews.vn)