Trong hai ngày 6, 7/12 sắp tới, hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ III - Một số vấn đề chọn lọc về an toàn an ninh thông tin sẽ được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức tại TP.Đà Nẵng.
Là một hoạt động của Đề án 99 (Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 – PV) nhằm thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin”, hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ III - Một số vấn đề chọn lọc về an toàn an ninh thông tin (SoIS 2018 - https://sois2018.hust.edu.vn/) do Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng các trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức tại TP.Đà Nẵng.
Cũng như các năm trước, mục đích của hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ III - Một số vấn đề chọn lọc về an toàn an ninh thông tin là khuyến khích các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia báo cáo, trao đổi các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là những kết quả có tính ứng dụng thực tiễn cao, thiết thực trong đời sống xã hội.
Năm 2018, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 30 bài báo khoa học, tập trung vào những lĩnh vực như: Mật mã ứng dụng, An toàn ứng dụng và An toàn an ninh mạng. Một số tham luận đáng chú ý như Phát hiện Botnet dựa trên phân loại tên miền sử dụng các kỹ thuật học máy; Xây dựng hệ thống phân tích mã độc dựa trên mã nguồn mở; Bảo mật mạng chuyển tiếp thu năng lượng dựa trên cơ chế chuyển mạch thời gian - phân chia công suất thích nghi và lựa chọn nút chuyển tiếp và Xây dựng hệ thống an ninh mạng vạn vật với giải pháp phát hiện và hạn chế tấn công DoS trên giao thức RPL dựa trên cơ chế Overhearing.
Với mong muốn phát triển thành hội thảo tầm cỡ khu vực, trong lần thứ ba này, SoIS 2018 sẽ được phối hợp tổ chức bên cạnh Hội nghị quốc tế The 9th International Symposium on Information and Communication Technology (SoICT 2018 - http://soict.org/).
Thông tin từ Ban tổ chức cũng cho hay, hội nghị SoICT 2018 có 66 bài báo khoa học được chấp nhận, đạt tỷ lệ 51% đến từ các tác giả ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, tập trung vào 4 chủ đề đang thu hút sự quan tâm của lĩnh vực CNTT-TT như: Trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn; Công nghệ mạng và bảo mật; Thị giác máy tính và nhận dạng; Kỹ thuật phần mềm và tính toán mềm ứng dụng.
Theo chương trình, hội thảo cũng mở 2 phiên thảo luận chuyên sâu về những vấn đề mang tính thời sự hiện nay, đó là: Tin sinh học và Sinh học tính toán; Các giải pháp CNTT cho Chính phủ điện tử.
Đặc biệt, chủ đề Các giải pháp CNTT cho chính phủ điện tử được sự hỗ trợ của Chương trình nghiên cứu KC.01/2016-2020 “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm CNTT phục vụ Chính phủ điện tử” của Bộ KH&CN. Trong chủ đề này, đã tuyển chọn được 9 báo cáo khoa học, trình bày các kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ Blockchain, phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin, biện pháp bảo vệ an toàn cho hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu và chính sách hỗ trợ quản lý thành phố thông minh.
Với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học đến từ 18 quốc gia trên thế giới tại 2 sự kiện hội nghị nghị SoICT2018 và hội thảo SoIS 2018, đây chắc chắn sẽ trở thành Diễn đàn Khoa học lớn nhất về an toàn thông tin tại Việt Nam, tạo điều kiện cho những nhà nghiên cứu, giảng dạy, chuyên gia, quản lý và những người quan tâm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và an toàn thông tin nói riêng có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Ban tổ chức cũng thông tin thêm, các nhà khoa học khi đăng ký tham dự 1 trong hai hội nghị, hội thảo, sẽ được nghe báo cáo mời của 5 nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin: Giáo sư Xin Yao đến từ Đại học Birmingham, Anh, IEEE Fellow, trước đó là Chủ tịch Hiệp hội IEEE Computational Intelligence Society; Giáo sư Marimuthu Palaniswani đến từ Đại học Melbourne, Úc; IEEE Fellow; Giáo sư Shui Yu, Phó trưởng ban phụ trách kỹ thuật trong lĩnh vực xử lý dữ liệu lớn của Hiệp hội IEEE Communication Society; Giáo sư Kurt Geihs đến từ trường Đại học Kassel, Đức và là Giám đốc sáng lập Trung tâm Interdisciplinary Research Center for Information System Design; Giáo sư Shui Yu đến từ Đại học kỹ thuật Sydney (Úc), Phó chủ tịch Hiệp hội Big Data của IEEE Communication Society; và Tiến sĩ Vũ Thùy Dương, Thành viên nhóm Tin y sinh, Học viện Westerdijk Fungal Biodiversity Institute, Hà Lan.
Đại diện Ban tổ chức chia sẻ: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và con người. Chúng tôi mong muốn các hoạt động trên sẽ góp phần tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, thúc đầy các hoạt động trao đổi, hợp tác và tạo ra mạng lưới giữa các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm giải pháp hiệu quả cho Việt Nam trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
(Nguồn: ictnews.vn)