Kế hoạch tổ chức sự kiện Hội thảo và Triển lãm Ngày Internet Việt Nam - Internet Day năm nay vừa được Hiệp hội Internet Việt Nam – VIA chính thức công bố.
Internet Day được VIA tổ chức định kỳ hằng năm vào mỗi dịp cuối năm dương lịch bắt đầu từ năm 2012 để kỷ niệm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu (ngày 19/11/1997). Sự kiện này đến nay đã trở thành ngày hội lớn nhất năm của cộng đồng Internet nước nhà.
Đại diện VIA cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy Chuyển dịch số trong bối cảnh Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khởi xướng dự án ASEAN số (Digital ASEAN) vào tháng 4/2018 với mục đích xây dựng hệ sinh thái và nền kinh tế số, dựa trên 5 trụ cột chuyển đổi số gồm: Dữ liệu, Kết nối, Nguồn nhân lực, Thanh toán điện tử và An toàn, an ninh mạng. Bộ TT&TT cũng vừa đưa ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh đó, Ban tổ chức đã quyết định chọn chủ đề chính cho sự kiện Hội thảo và Triển lãm Internet Day 2018 là “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam”.
Với mục tiêu phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, Bộ TT&TT cho rằng, việc này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, doanh nghiệp trong nước đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi. Thế nhưng, cách nghĩ, cách làm cần có sự khác biệt, phát hiện và sử dụng hạt nhân phù hợp, hướng đến ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân sử dụng.
Tiếp tục nhận được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, sự kiện Internet Day 2018 được VIA tổ chức vào ngày 5/12 tới tại Hà Nội, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 500 khách mời. Các chuyên gia tới trao đổi, tham dự là đại diện các tổ chức Nghề nghiệp về Internet toàn cầu và khu vực như: ISOC, ICANN … Cùng với đó là các khách mời đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Internet của Việt Nam.
Internet Day 2018 được phối hợp tổ chức bởi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Trung tâm Internet Việt Nam, Tổ chức quản lý tên miền quốc tế ICANN, Tổ chức xã hội Internet ISOC, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Cộng đồng Vietopenstack. Tài trợ cho sự kiện năm nay có các doanh nghiệp Huawei, Qualcomm, VNG, Google, Netnam, Grab.
Thông tin từ Ban tổ chức cho hay, phiên toàn thể hội thảo Internet Day 2018 chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam” sẽ diễn ra trong buổi sáng ngày 5/12 tới tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tổng quan về định hướng chính sách, tầm nhìn về hệ sinh thái số Việt Nam; Xu hướng công nghệ và kinh nghiệm quốc tế; và tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam: người chơi và luật chơi”.
Đặc biệt, trong phần tọa đàm sẽ được tổ chức vào cuối buổi sáng 5/12, các đại biểu tham dự sẽ được nghe các diễn giả uy tín đến từ Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số, nhà sản xuất thiết bị mổ xẻ các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái số Việt Nam như: Việt Nam cần những “người chơi” nào cho hệ sinh thái số của mình? “Luật chơi" của hệ sinh thái gồm những gì, và cần làm gì? Đâu là những sản phẩm, dịch vụ là cần thiết cho hệ sinh thái số Việt Nam…
Cùng với đó, cũng trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2018, 3 phiên hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức đồng thời vào chiều ngày 5/12, cụ thể: chuyên đề 1 - Phát triển hạ tầng, tài nguyên Internet và vấn đề quyền riêng tư, bảo mật sẽ tập trung thảo luận về việc thúc đẩy phát triển Internet và các vấn đề liên quan bao gồm thúc đẩy băng thông rộng hạ tầng, phát triển tài nguyên Internet cùng các vấn đề riêng tư, bảo mật.
Chuyên đề 2 - Thúc đẩy thanh toán trực tuyến vì sự phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam sẽ chú trọng làm rõ viễn cảnh, thách thức và cơ hội cho các bên tham gia hệ sinh thái này khi thanh toán trực tuyến được coi là một điểm mấu chốt cho sự phát triển thương mại điện tử, thậm chí trở thành một công cụ nền tảng cho mọi giao dịch kinh tế trên diện rộng.
Với chuyên đề 3 - Chuyển đổi theo Cloud và tương lai các hệ sinh thái số, chuyên đề này sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về xu thế dịch chuyển theo Cloud trên thế giới và Việt Nam; đồng thời làm rõ những vẫn đề cần quan tâm trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ TT&TT thúc đẩy chuyển đổi số và hệ sinh thái số kết hợp xu hướng dịch chuyển lên Cloud của thế giới và Việt Nam, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ Cloud toàn cầu tại Việt Nam (Amazon, Azure, Google, Alibaba), sự tích cực cung cấp dịch vụ Cloud của các đơn vị trong nước (Viettel IDC, VNPT, VNG/VinaData, CMC, FPT, Nhân Hoà, iNET...) và xu hướng triển khai hạ tầng trên nguồn mở (OpenStack) để giảm giá thành.
(Nguồn: ictnews.vn)