Vừa qua ngày 23/10/2018 tại Hà Nội, Trung tâm CNTT và Giám sát An ninh mạng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và Trung tâm CNTT thuộc Bộ Giao thông vận tải đã ký thỏa thuận phối hợp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Bộ Giao thông vận tải.
Theo Tạp chí An toàn thông tin đưa tin, việc ký kết thoả thuận phối hợp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Bộ Giao thông vận tải giữa 2 Trung tâm nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của Bộ Giao thông vận tải, đáp ứng nhu cầu phát triển và nhiệm vụ được giao.
Thỏa thuận phối hợp sẽ thực hiện theo nguyên tắc hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các nội dung phối hợp, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của nhau; đảm bảo các nguyên tắc về bảo mật; bảo vệ, giữ bí mật về lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ.
Bên cạnh đó là nguyên tắc thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo mật thông tin và giữ bí mật quốc gia nhằm mục đích tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thông thông tin của Bộ Giao thông vận tải, đáp ứng nhu cầu phát triển và nhiệm vụ được giao, giúp 2 cơ quan hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Trong buổi lễ ký kết, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định Ban Cơ yếu Chính phủ với vai trò là cơ quan mật mã quốc gia đã và đang nỗ lực hết mình trong công tác bảo mật và an toàn thông tin, đặc biệt là bảo mật và an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào cũng nhấn mạnh bốn nhiệm vụ chính đã và đang được Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai đồng bộ, gồm xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong mọi tình huống.
Ban Cơ yếu Chính phủ cũng triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử và các hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước; triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng CNTT của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào đánh giá cao sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải trong thời gian vừa qua, nhằm đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin cho Bộ Giao thông vận tải.
Buổi lễ ký giữa 2 Trung tâm nhằm nâng cao và thắt chặt hơn nữa sự phối hợp giữa hai bên, giúp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Bộ Giao thông vận tải; và Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào cho rằng 2 Trung tâm sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo những gì đã nêu trong thỏa thuận.
Trước đó, Tổng Cục đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tích hợp chữ ký số, chứng thư số vào một số phần mềm nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và xác thực cho dữ liệu xử lý giấy phép lái xe.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cảm ơn Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ đối với công tác bảo đảm an toàn thông tin của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua, đồng thời mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Bộ Giao thông vận tải trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng bày tỏ mong muốn qua lễ ký kết, hai bên sẽ cũng nhau hợp tác, làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan của Bộ Giao thông vận tải, để hai bên cùng tiến tới thỏa thuận hợp tác ở mức cao hơn.
Mục tiêu trước mắt được hai bên đặt ra là xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu và có các báo cáo cụ thể định kỳ; đào tạo nâng cao nhận thức chung về an toàn thông tin cho cán bộ của Bộ Giao thông vận tải.
Ban Cơ yếu thường xuyên hỗ trợ các bộ, ngành
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh, an toàn mạng đang có nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gia tăng cả về số lượng, tính chất, mức độ nghiêm trọng, quy mô và cách thức tấn công ngày càng tinh vi hơn.
Theo dự báo từ các cơ quan chức năng, thời gian tới, tình hình an toàn thông tin sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là các cuộc tấn công có chủ đích với mục tiêu chính là các hệ thống thông tin trọng yếu của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực Giao thông vận tải.
Thực tế trong thời gian gần đây, ngành Giao thông vận tải đã xảy ra nhiều sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng như sự cố tấn công có chủ đích vào các hệ thống thông tin của một số đơn vị trong lĩnh vực hàng không và sự cố đồng loạt nhiều trang thông tin điện tử của các cảng hàng không bị tấn công làm thay đổi nội dung, giao diện và ngừng hoạt động.
Trong buổi diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng khu vực ASEAN - ACID 2018 ngày 5/9 được tổ chức với sự tham gia của 18 đội CERT đến từ 15 nước gồm các nước khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT đã đưa ra nhiều thống kê tổng quan đáng lo ngại.
Theo đó, Việt Nam luôn đứng đầu về nguy cơ an toàn thông tin mạng. Việt Nam đứng thứ 5 trong top 10 quốc gia bị tấn công DDoS nhiều nhất trong quý IV/2017. Và với 637.395 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, các trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công với tần suất rất lớn. Thống kê của VNCERT cho thấy, trong năm ngoái hệ thống giám sát của Trung tâm ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào các website của Việt Nam, trong đó có 5.215 sự cố cài mã độc (malware); 4.155 sự cố tấn công thay đổi giao diện trang web (deface); số sự cố tấn công lừa đảo (phishing) là 2.101 sự cố.
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2018, VNCERT ghi nhận có tổng cộng 6.567 sự cố tấn công vào các trang web của Việt Nam với cả 3 loại hình malware, deface và phishing. Trong đó, số sự cố deface nhiều hơn cả, lên tới 3.818 sự cố; tiếp đó phishing với 1.800 sự cố; số sự cố tấn công malware là 949 sự cố.
Số liệu thống kê của Trung tâm VNCERT cũng cho hay, các trang web có kiểu tên miền .name.vn bị tấn công nhiều nhất, chiếm tới 44,07%; tiếp đó là các website có kiểu tên miền .com.vn với 36,58%; edu.vn chiếm 9,45% và đặc biệt tỷ lệ trang web có kiểu tên miền .gov.vn bị tấn công mạng chiếm 4,72% tổng số các sự cố tấn công vào các website của Việt Nam.
Và cũng từ số liệu thống kê từ hệ thống giám sát của VNCERT, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, loại hình tấn công được tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin, chiếm tới 70%. Bên cạnh đó, còn phải kể đến các loại hình tấn công khác cũng được tin tặc sử dụng nhiều như tấn công chiếm quyền điều khiển, tấn công mã độc và tấn công ứng dụng web.
Trong tình hình đó, Ban Cơ yếu Chính phủ thường xuyên có chương trình hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương. Như vào chiều ngày 8/8/2018 tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước nhân dịp Hội nghị ngoại giao lần thứ 30.
Lúc đó Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào cũng giới thiệu một số văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh vị trí quan trọng của Hệ Cơ yếu Ngoại giao trong lực lượng Ngành Cơ yếu Việt Nam.
Phát biểu trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ và sự chỉ đạo kịp thời về nghiệp vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ với Cơ yếu Ngoại giao trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo đảm bí mật, an toàn thông tin trong tình hình hiện nay và mong muốn tiếp tục phát huy tốt mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Ngoại giao.
(Nguồn: ictnews.vn)