Một nền hành chính không còn giao dịch qua giấy tờ sẽ có ý nghĩa như thế nào? Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng, một ngày mai khi đến bất kỳ cơ quan công quyền nào để xin chứng nhận hay nộp hồ sơ cho một thứ giấy phép nào đó thậm chí bạn sẽ có thể qua cửa khẩu, làm thủ tục nhập cảnh mà không cần lo lắng chuyện hộ chiếu có đang ở bên mình hay không? Và khi số hóa mọi giấy tờ, thủ tục hành chính, sẽ mang lại cho chúng ta điều gì?
Tại Hàn Quốc, chỉ riêng việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp tiết kiệm tới 8 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời đi đầu trong xu thế “3 không”: Không giấy tờ, không bảo vệ - đi vào các cơ quan nhà nước đều bằng dấu vân tay - và không có khiếu nại. Rõ ràng, lợi ích của giảm gánh nặng chi phí giấy tờ là rất lớn.
Ý thức được những điều này, Chính phủ Việt Nam đã và đang từng bước chuẩn bị để hướng tới một chính phủ số, chính phủ điện tử trong tương lai. Hiện các bộ, ngành địa phương trên cả nước cũng đã bắt đầu vào cuộc trong việc đem lại những sự thuận tiện nhất cho người dân, DN và toàn xã hội.
Tại Hà Nội, việc áp dụng chính quyền số chưa thể triển khai trên toàn bộ thành phố nhưng đã được một số địa bàn như quận Long Biên, Bắc Từ Liêm triển khai thí điểm. Theo bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm từ tháng 3/2017, quận Bắc Từ Liêm đã gửi tài liệu họp qua mail công vụ và bắt đầu từ ngày 1/4, quận thực hiện phòng họp không giấy tờ. Nhờ giảm giấy tờ, cũng đã đã tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ cho ngân sách của quận.
Còn tại TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Hiện những chủ trương này đã được thí điểm tại quận 1 và quận 12 đã và đang nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn hai quận này. Theo đó, rất nhiều thủ tục hành chính cần được sao y, chứng thực đã không cần bản gốc của người dân nữa. Người dân có thể tay không đến làm thủ tục hành chính mà không cần bất kỳ một loại giấy tờ nào. Chỉ cần dấu vân tay của người dân, khi kích vào phần mềm có sẵn sẽ hiện lên thông tin cá nhân để người dân lựa chọn loại dịch vụ cần làm.
Quận cũng đã xây dựng phần mềm quản lý công dân để công an địa phương có thể quản lý tình hình tạm trú, thường trú, hiện nay đang thí điểm ở phường Hiệp Thành. Đặc biệt, quận 12 cũng tiến tới “điện tử hóa” trong lĩnh vực y tế, giáo dục như xây dựng bệnh án điện tử, điện tử hóa trong công tác giáo dục... Mọi công dân của quận sẽ được cấp tài khoản cá nhân liên kết với thông tin của CMND, căn cước công dân để sử dụng được tất cả dịch vụ tiện ích của quận.
Số hóa các thủ tục liên quan đến người dân và DN điều này mang lại nhiều lợi ích, chỉ cần tính chi phí gửi thư mời qua email, tin nhắn SMS thay cho hình thức thư mời bằng giấy như trước đây, chính quyền UBND TP Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Đó là chưa kể đến những lợi ích khác từ việc gửi những bức thư điện tử mang lại như giảm áp lực giao thông, giảm những sự nhũng nhiễu, phiền hà không đáng có, mà những khoản chi phí như vậy là những khoản tiền khổng lồ.
Thay cách gửi công văn thông thường bằng gửi thư điện tử mà đã tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ như vậy. Nếu tính rộng ra trên cả nước số tiền tiết kiệm được từ số hóa các hoạt động hành chính sẽ là khoản tiền không hề nhỏ. Chẳng hạn, nếu thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 tính toán sơ bộ cũng đã tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người khoảng 1.600 tỷ đồng/năm. Ngoài các khoản tiền tiết kiệm từ việc “tiết kiệm” giấy, còn những khoản chi phí khác “chi phí không chính thức” đè nặng người dân và DN bấy lâu sẽ cũng là một khoản tiền khổng lồ, nếu áp dụng nền hành chính phi giấy tờ.
Mới đây, chủ trì cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần thay đổi nhận thức và hành động cũng như thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy; phải nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”, như xây dựng một Chính phủ phi giấy tờ…
Cho rằng việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua còn chậm, chưa được như mong đợi, Thủ tướng nêu rõ, “Chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển vì năng suất thấp”. Thông qua xây dựng Chính phủ điện tử còn góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân.
Do đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ nghiên cứu đề án thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính và xây dựng hệ thống điện tử về tham vấn chính sách để cung cấp đầy đủ thông tin, giúp người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ra quyết định kịp thời hơn.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã loại bỏ dần giấy tờ trong thực hiện công vụ và thay bằng việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Việc làm này nhằm hiện thực hóa chủ trương hướng tới nền hành chính không giấy tờ.
(Nguồn: Ictnews.vn)