Ngày 14/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam theo phương pháp đánh giá của Liên hợp quốc.
Theo đó, xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về một số nội dung trong Báo cáo phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định 846 ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017 và Quyết định 877 ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 – 2019.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu phải nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên các dịch vụ công thiết yếu; triển khai hiệu quả Nghị định 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công tập trung, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ TT&TT thực hiện rà soát, đánh giá chỉ số thành phần hạ tầng viễn thông của Việt Nam theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc và đề xuất các giải pháp để cải thiện chỉ số này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2018.
Bộ GD&ĐT được yêu cầu phải kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin mới nhất về chỉ số thành phần nguồn nhân lực của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế liên quan theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc; tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chỉ số này.
Trước đó, trong bài viết có tựa đề “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam” được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 9/8/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết: “…tổng quan có thể thấy, việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Chính phủ. Vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc vẫn ở mức trung bình, theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, 2 năm qua, chúng ta tăng 1 bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6”.
Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức. Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử rất chậm so với tiến độ cần có; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng trong khi tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương còn chưa có đầy đủ thông tin dữ liệu số của các đối tượng mình quản lý.
Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025”, Việt Nam đặt mục tiêu hết năm 2020 sẽ nằm trong Nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Như ICTnews đã đưa tin, tháng 7/2018, Liên hợp quốc đã phát hành báo cáo Chỉ số chính phủ điện tử hỗ trợ chuyển dịch hướng tới xã hội bền vững 2018. Đây là lần thứ 10 Liên hợp quốc thực hiện báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên kề từ năm 2001. Chỉ số được tính toán dựa trên 3 lĩnh vực quan trọng nhất của chính phủ điện tử, đó là quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI).
Theo báo cáo, có 40 quốc gia được chấm điểm “rất cao” với chỉ số EGDI từ 0,75 đến 1 so với chỉ 10 nước năm 2003 và 29 nước năm 2016. Việt Nam nằm trong số được đánh giá “cao” với chỉ số từ 0,5 đến 0,75. Điểm EGDI trung bình từ 0,25 đến 0,5, còn điểm thấp là dưới 0,25. Đan Mạch, Úc và Hàn Quốc là các nước đứng đầu về phát triển Chính phủ điện tử. Như vậy, so với báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử đã được Liên hợp quốc công bố năm 2016, Việt Nam cải thiện ở cả 3 chỉ số thành phần, tăng 1 bậc về Chỉ số Chính phủ điện tử. Trong nhóm nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.
(Nguồn: Ictnews.vn)