SharePoint
Liên kết web
 
 

Đến cuối năm 2018, thêm 143 thủ tục được kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia

15/08/2018 14:03
(TTCNTT) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ nay đến cuối năm 2018, ngoài 53 thủ tục hành chính đã kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia, các Bộ, ngành phải hoàn thành việc kết nối 143 thủ tục hành chính đã đăng ký.

Ý kiến chỉ đạo nêu trên là một một nội dung trong kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một của ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” ngày 24/7 vừa được Văn phòng Chính phủ ra thông báo hôm nay, ngày 14/8/2018.

Cũng trong kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, việc cải cách mang tính đột phá, sâu rộng, hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam bằng mức trung bình của các nước ASEAN4 và hướng tới nhóm các nước OECD, tạo động lực góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) được giao chỉ đạo Bộ Tài chính trong tháng 8/2018 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020. Trên cơ sở đó, trong tháng 9/2018, các Bộ, ngành ban hành kế hoạch hành động chi tiết của Bộ, ngành mình.

Ủy ban 1899 cũng có trách nhiệm chỉ đạo Bộ Tài chính trong tháng 9/2018 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thông qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Về mục tiêu, giải pháp thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, Thủ tướng yêu cầu, đến năm 2020, tất cả TTHC liên quan đến quản lý nhà nước với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Bên cạnh đó, tham gia và triển khai đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết, lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối, trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tất cả các Bộ, cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được kết nối, chia sẻ thông tin quản lý nhà nước qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ khái niệm, nội hàm về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để có giải pháp quản lý phù hợp.

Thủ tướng cũng yêu cầu cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Các Bộ, ngành phải tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động trên đây để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chấm dứt việc ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để khắc phục ngay tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong kiểm tra chuyên ngành và tình trạng một mặt hàng cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức quản lý, kiểm tra; không để kiểm tra chuyên ngành làm hạn chế thương mại, lưu thông hàng hóa. Trong năm 2018, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban 1899, Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại tại địa phương mình.

(Nguồn: http://ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây