(TTCNTT) - Thông tin được công bố tại Diễn đàn Security Trends 2018 với chủ đề: “Thực hiện chiến lược an ninh mạng hiệu quả tại các DN Việt Nam-Đừng để bất kỳ điều gì làm quý vị chậm lại!” diễn ra mới đây tại Hà Nội rất đáng chú ý.
Số liệu báo cáo nêu rõ: Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tấn công mạng với hơn 86 triệu email đe dọa được phát hiện trong nửa đầu năm 2018. Theo sau Việt Nam là Singapore với 27 triệu email đe dọa được phát hiện. Theo các thống kê bảo mật toàn cầu: Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng về số lượng với thủ đoạn tinh vi đến mức tưởng chừng vô hại. Đó có thể chỉ là một tin nhắn email đơn giản, nhưng thực chất lại đính kèm mã độc hoặc sử dụng một chiêu thức lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân người dùng.
Dễ thấy, hiện nay nhiều DN Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số hóa dữ liệu, số hóa quy trình làm việc, sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh những ích lợi đạt được, các chuyên gia nhận định: Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này đang khiến DN nhanh chóng trở thành mục tiêu nhắm đến của các cuộc tấn công mạng. Cùng với áp lực chuyển đổi số, DN phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực quản trị công nghệ thông tin cao cấp, nguồn nhân lực kiểm soát hệ thống, đặc biệt là nhân sự có kiến thức chứng chỉ về bảo mật quốc tế.
Trên thực tế, thời gian qua, tại Việt Nam đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công có chủ đích vào hệ thống sân bay, ngân hàng, hàng ngàn website... Điều này không chỉ gây tổn thất nặng nề về mặt tài chính cho DN mà còn làm gián đoạn hàng loạt các hoạt động quan trọng khác của chính DN, tổ chức và nhiều đối tác, khách hàng liên quan. Có thể khẳng định, các cuộc tấn công trên mạng đã trở thành một rủi ro trong kinh doanh, thậm chí khiến nhiều DN đánh mất khách hàng, gián đoạn hoạt động kinh doanh,…
Nhìn nhận tổng thể vấn đề, phải khẳng định rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nỗ lực thúc đẩy quá trình số hóa của DN là hướng đi cần thiết, tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trước những rủi ro, mối đe dọa tiềm ẩn trên mạng, song song với quá trình đó, các DN, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải nghiêm túc xem xét vấn đề an ninh mạng. Đặc biệt, riêng từng DN cần có cách tiếp cận chủ động hơn trong đối phó với các mối đe dọa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Về lâu dài, giải pháp khả thi là đẩy mạnh áp dụng một chiến lược an ninh mạng phù hợp đáp ứng nhu cầu kinh doanh của DN.
(Nguồn: baohaiquan.vn)