Thông tin nêu trên vừa được các chuyên gia của hãng bảo mật Trend Micro cho biết trong Security Trends 2018 có chủ đề “Thực hiện chiến lược an ninh mạng hiệu quả tại các doanh nghiệp Việt Nam - Đừng để bất kỳ điều gì làm quý vị chậm lại!” vừa diễn ra tại Hà Nội vào chiều qua, ngày 30/7.
Security Trends là hội nghị được hãng bảo mật Nhật Bản Trend Micro tổ chức thường niên nói về tầm quan trọng của an ninh mạng đối với các doanh nghiệp, đồng thời cung cấp những thông tin đa chiều, giới thiệu những giải pháp hiệu quả đáng quan tâm cho doanh nghiệp. Là năm đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam, Security Trends 2018 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác định được những lỗ hổng, những vấn đề quan trọng trong tiến trình xây dựng, thực hiện chiến lược an ninh mạng của đơn vị mình.
Cùng với việc cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình an toàn, an ninh thông tin trên thế giới và tại Việt Nam, tại diễn đàn năm nay, các chuyên gia của Trend Micro gồm ông Dhanya Thakkar, Phó Chủ tịch Trend Micro khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi; bà Myla Pilao, Giám đốc TrendLabs của Trend Micro; và bà Jaruwan Roekphichayayothin, Giám đốc quốc gia của Trend Micro Vietnams cũng đã đưa ra những tư vấn giúp các doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ các khó khăn trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của tổ chức, doanh nghiệp mình.
Cụ thể, các chuyên gia Trend Micro đã tập trung trao đổi, chia sẻ những vấn đề bảo mật doanh nghiệp quan tâm sát sườn hiện nay nhoan: doanh nghiệp có thể làm gì để xác định những chỗ yếu của công ty và đâu là những điều cần được quan tâm trước tiên? Đối với các doanh nghiệp không chắc chắn về việc nên áp dụng chiến lược an ninh mạng nào, họ có thể làm gì để cải thiện tình hình an ninh mạng của mình? Những thách thức trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó an ninh là gì? Đâu là những giải pháp có thể cung cấp cơ sở hạ tầng an ninh tích hợp cho tổ chức, doanh nghiệp?...
Các chuyên gia Trend Micro nhận định, an ninh mạng giờ đây đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với tất cả các công ty, tổ chức trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề an ninh mạng luôn được nâng lên ở tình trạng báo động, với hàng loạt vụ tấn công có chủ đích vào hệ thống sân bay, ngân hàng, hàng ngàn website... thời gian qua là những minh chứng điển hình. “Điều này không chỉ gây tổn thất nặng nề về mặt tài chính, hậu quả các vụ tấn công mạng, mà còn làm gián đoạn hàng loạt các hoạt động quan trọng khác của chính doanh nghiệp, tổ chức và nhiều đối tác, khách hang”, chuyên gia Trend Micro nhấn mạnh.
Các thống kê bảo mật toàn cầu cho thấy, nhiều cuộc tấn công có chủ đích đã và đang ngày càng gia tăng về số lượng, các kiểu tấn công đa dạng, thủ đoạn tinh vi đến mức tưởng chừng vô hại. Đó có thể chỉ là một tin nhắn email đơn giản, nhưng thực chất lại đính kèm mã độc hoặc sử dụng một chiêu thức lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân người dùng. Tấn công có chủ đích được thiết kế để cung cấp cho kẻ tấn công một đường đi nội bộ gần như vĩnh viễn để ăn cắp và làm mất hết cơ sở dữ liệu thông tin của nạn nhân.
Chuyên gia Trend Micro cũng cho rằng, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu có sự chuẩn bị và chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số hóa dữ liệu, số hóa quy trình làm việc, sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận và mang đến nhiều hơn các dịch vụ gia trị gia tăng cho khách hàng. “Chính quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này đang khiến doanh nghiệp nhanh chóng trở thành mục tiêu nhắm đến của các cuộc tấn công mạng. Theo số liệu báo cáo mới nhất của Trend Micro, Việt Nam đang dẫn đầu ASEAN về tấn công mạng, với hơn 86 triệu email đe dọa được phát hiện trong nửa đầu năm 2018, theo sau là Singapore với 27 triệu đe dọa được phát hiện”, Trend Micro cho hay.
Cùng với áp lực chuyển đổi số, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực quản trị CNTT cao cấp, đặc biệt nhân sự có kiến thức chứng chỉ về bảo mật quốc tế. Nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp triển khai công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây đang phải đối mặt với thách thức rất lớn về sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn nhân lực kiểm soát hệ thống. Trong khi đó, các công nghệ mới liên tục phát triển với tốc độ chóng mặt, từ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật (IoT), thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối Blockchain… Mặt khác, nhu cầu làm việc trong môi trường doanh nghiệp đòi hỏi tính di động, kết nối của nhân viên ngày càng cao. Chuyên gia Micro nhấn mạnh: “Vấn đề bảo mật trong doanh nghiệp vì vậy càng trở nên thiết yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có cách tiếp cận chủ động hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Tấn công có chủ đích (APT) cũng là một mối nguy cơ được các chuyên gia Trend Micro khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu tâm. Theo Trend Micro, các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào khối lượng lớn dữ liệu quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp, cả thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng, gây ảnh hưởng đến uy tín, tài chính, thậm chí cả vận mệnh của tổ chức, doanh nghiệp.
Chuyên gia Trend Micro đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp đều ý thức được rằng dữ liệu là nguồn tài sản quý giá, an toàn bảo mật phải là yếu tố ưu tiên song hành trong đầu tư công nghệ thông tin. Song thời gian qua dù tình hình có cải thiện, nhìn chung kinh phí dành cho bảo mật so với tổng chi phí đầu tư CNTT trong doanh nghiệp vẫn nằm ở mức thấp so với nhu cầu thực tế. Không chỉ khó khăn về kinh phí, điều quan trọng hơn theo các chuyên gia, nguyên nhân còn do nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa hiểu được, nắm bắt được nên đầu tư, trang bị những công cụ bảo mật nào phù hợp, xây dựng chiến lược an ninh mạng ra sao để hiệu quả trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số này.
Trong chia sẻ tại buổi họp báo ngắn vào chiều 30/7, bà Myla Pilao, Giám đốc TrendLabs của Trend Micro cho hay, một trong những câu hỏi bà và các đồng nghiệp thường hay gặp nhất đó là: “Ngành nghề nào, tổ chức, doanh nghiệp nào... là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi đề cập đến các mối đe dọa an ninh mạng?”.
Giải đáp thắc mắc phổ biến trên, bà Myla Pilao khẳng định, bất kỳ đối tượng nào, bất kể một doanh nghiệp, tổ chức nào dù quy mô lớn hay nhỏ đều có thể trở thành nạn nhân của đe dọa an ninh mạng. Bởi lẽ, các hacker luôn không ngừng cố gắng cải thiện kỹ thuật tấn công của họ, và tìm cách để cố gắng xâm nhập vào mạng mà họ nhắm mục tiêu. Những lỗ hổng, sự thiếu hiểu biết của người dùng, những cuộc tấn công tinh vi... là những thứ khiến các doanh nghiệp không chắc về cách mà những kẻ tấn công mạng có thể tấn công vào mạng của họ.
Mặt khác, theo bà Myla Pilao, nguyên nhân còn bởi phần mềm diệt virus, phần mềm bảo mật hiện đang được nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng không khả dụng, không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Nhấn mạnh quan điểm các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa trên mạng trong thế giới kết nối hiện nay, chuyên gia Trend Micro khuyến nghị, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh và áp dụng một chiến lược an ninh mạng phù hợp đáp ứng nhu cầu kinh doanh của đơn vị mình.
“Điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải có một phương pháp phân lớp để bảo vệ mạng của mình. Với Trend Micro, chúng tôi đã giúp nhiều doanh nghiệp bảo vệ doanh nghiệp của họ. Ví dụ, trong vụ WannaCry, Trend Micro không có khách hàng nào bị ảnh hưởng. Với giải pháp bảo vệ mạng của mình, chúng tôi đã bảo vệ khách hàng sớm hơn 30 ngày - trước khi Microsoft phát hành biện pháp để vá lỗ hổng này”, chuyên gia Trend Micro chia sẻ.
(Nguồn: http://ictnews.vn)