Internet đã tác động tới mọi mặt cuộc sống của chúng ta. Theo báo cáo năm 2017 của Viện giá trị kinh doanh của IBM (IBM Business Value Institute’s Report 2017), hiện có hơn 10 tỷ thiết bị trên toàn thế giới đang được kết nối vào Internet, bao gồm cả máy tính và điện thoại thông minh. Số các thiết bị kết nối được dự báo sẽ tăng lên với tốc độ chóng mặt trong vài thập kỷ tới, ước tính cỡ 50 - 100 tỷ thiết bị vào năm 2050. Internet của vạn vật (IoT) sẽ cũng tạo ra doanh thu vô cùng lớn, ước tính cỡ 2.700 - 6.200 tỷ USD hằng năm vào năm 2025.
Theo đó, chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của các DN và tổ chức trên thế giới. Chuyển đổi số sẽ cải thiện hoạt động, giảm chi phí, tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, định hướng sự gắn kết và trải nghiệm của khách hàng. Đón đầu xu hướng này các DN ICT Việt Nam đã nỗ lực, tích cực cho quá trình chuyển đổi số.
Theo phân tích của đại diện VNPT tại Hội nghị Khoa học và công nghệ (KHCN) ngành TTTT năm 2018: Nghiên cứu, phát triển sản phẩm ICT hướng tới CMCN 4.0, tại Việt Nam, chuyển đổi số đang có nhiều cơ hội nhờ: hạ tầng mạng băng rộng (cố định, di động) đã sẵn sàng để đáp ứng số lượng kết nối đang gia tăng với tốc độ rất cao; Hạ tầng chính phủ điện tử, số hóa dữ liệu đã và đang dần hoàn thiện; Sự trưởng thành và chín muồi của các công nghệ mới như điện toán đám mây, IoT, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa với định hướng mở (Kết nối thiết bị, cảm biến, cung cấp nền tảng để phát triển ứng dụng IoT); Nhu cầu của các thành phố xây dựng đô thị thông minh như một giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Điểm quan trọng nữa, theo đại diện VNPT là Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền đã nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số với việc xây dựng chính quyền điện tử và đã có nhiều quyết định, chiến lược để định hướng như Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng, Quyết định, hướng dẫn của các Bộ Ngành.
Với vai trò là một trong những nhà cung cấp dịch vụ ICT hàng đầu tại Việt Nam, VNPT đã tư vấn mô hình kiến trúc và lộ trình tổng thể chuyển đổi số cho các tỉnh, thành phố, DN và tổ chức. VNPT hiện đang tư vấn cho 15 tỉnh, thành phố về lộ trình và giải pháp đô thị thông minh (ĐTTM).
VNPT đã triển khai nền tảng thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu lớn (Big data as a service); Nền tảng đám mây cung cấp dịch vụ máy chủ ảo, lưu trữ, phần mềm dịch vụ (DaaS, SaaS); Nền tảng tích hợp Internet vạn vật (IoT Platform); hạ tầng thông tin an toàn, bảo mật; các giải pháp ĐTTM (chính quyền số, an ninh trật tự, giáo dục, môi trường, giao thông….), xây dựng các nền tảng mở, hệ sinh thái mở các dịch vụ để phục vụ chuyển đổi số và ĐTTM.
Trong khi đó, tại Hội nghị, ông Lê Hữu Quốc, Kiến trúc sư trưởng về ĐTTM, Tập đoàn Viettel cho biết trong ba lĩnh vực công nghệ chính của CMCN 4.0: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý, Viettel chọn tập trung phát triển kỹ thuật số để tạo ra cuộc cách mạng kỹ thuật số trong CMCN 4.0. Theo đó, Viettel phát triển các sản phẩm như phần mềm kho dữ liệu tri thức khách hàng (Customer Insights) đã nhận giải Đồng ASEAN ICT Awards 2016 và Hệ thống xử lý và khai thác dữ liệu tập trung (Viettel BI 2.0) thuộc top 10 sản phẩm xuất sắc nhất giải Sao Khuê 2017, đang được triển khai tại các thị trường của Viettel tại Việt Nam và quốc tế, mang lại doanh thu gần 70 tỷ đồng năm 2016. Với công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality), Viettel đã hợp tác với ADT Creative tạo ra sản phẩm du lịch thực tế ảo. Trong thời gian tới, Viettel sẽ đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và ứng dụng tất cả các công nghệ tiên tiến phục vụ ĐTTM.
Đại diện của Viettel cũng cho biết các công nghệ, sản phẩm về hạ tầng viễn thông, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, an ninh mạng đã được xây dựng, ứng dụng thành công trong nước sẽ được Viettel nhanh chóng nhân rộng ứng dụng tại các thị trường nước ngoài.
Về phía MobiFone, ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone cho biết trong lộ trình giai đoạn 2018 - 2020, MobiFone cũng hướng đến các sản phẩm, thiết bị mạng 4G/5G, thiết bị phục vụ ĐTTM, các nền tảng M2M và IoT vừa phục vụ các hộ gia đình, các tòa nhà, nhà trạm hiện có của MobiFone, các sản phẩm liên quan đến kinh tế số, blockchain, các hệ thống khai phá dữ liệu tính toán với hiệu năng cao. Đây là xu hướng tất yếu của xã hội.
MobiFone đã hoàn thành nghiên cứu chế tạo thử nghiệm các bộ lặp đa dịch vụ (repeater); các nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý thiết bị IoT cho MobiFone; các bài đo thiết bị, hiệu năng cũng như mô phỏng các ứng dụng IoT; nghiên cứu xây dựng các chương trình phát triển thiết bị IoT…
MobiFone hiện đang tập trung các vấn đề liên quan CMCN 4.0 và sẽ thử nghiệm nội bộ tại MobiFone đầu tiên. Cụ thể, MobiFone hiện đang nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm hệ thống quản trị thiết bị thông minh các cho tòa nhà (smart building) và xây dựng 1 nền tảng trên đó sẽ điều khiển các ứng dụng liên quan đến các thiết bị tòa nhà bao gồm các hệ thống điều hòa, chiếu sáng, cảnh báo cháy, nước, camera và đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế. MobiFone cũng nghiên cứu tích hợp các dịch vụ công. Các DN hiện nay có rất nhiều nhu cầu về dịch vụ công, quản lý nhân viên… Trong thời gian tiếp theo, MobiFone cũng xây dựng hệ thống thanh toán, đáp ứng nhu cầu tất yếu của khách hàng MobiFone.
Đặc biệt, trong thời gian qua, MobiFone đã được giao nhiệm vụ triển khai hệ thống truyền thông cơ sở. Các phương án, thiết bị thử nghiệm của MobiFone đã được đánh giá rất cao và trong thời gian tới, MobiFone phối hợp với Sở TTTT Hà Nội trang bị các Home Gateway dưới dạng các loa phường theo dự án của thành phố Hà Nội với mục tiêu ban đầu là phổ biến, truyền đạt các chủ trương, chỉ đạo của Nhà nước. Tiếp theo, Home Gateway có thể giúp quản lý nhà trạm, cũng như giúp quản trị tòa nhà thông minh.
Trao đổi về phát triển sản phẩm an toàn thông tin (ATTT) đáp ứng CMCN 4.0, ông Hà Thế Phương, Công ty CMC Infosec cho biết công ty này đã có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực ATTT, là ngành hẹp nhưng đang phát triển nhanh và nóng trong thời gian qua. CMC Infosec đã tham gia công tác thẩm định ATTT trong các cơ quan nhà nước. Sau nhiều năm phát triển, các sản phẩm của CMC Infosec đã “tồn tại” và được các cơ quan đánh giá cao là CMC Internet Security Enterprise - giải pháp chống mã độc tập trung, chống mã độc dựa trên công nghệ hành vi - một bước tiến đến CMCN 4.0, có yếu tố AI, tự động hóa; CMC CryptoShield - giải pháp chống mã độc dạng mã hóa dữ liệu dựa trên công nghệ tự nhận dạng hành vi.
CMC Infosec vừa khai trương trung tâm điều hành an ninh mạng (Security Operation Center) thế hệ mới. Đây được xem là sản phẩm ICT hướng tới CMCN 4.0 có yếu tố AI, tự động hóa cao, bao gồm vận hành, xử lý sự cố, giám sát… toàn bộ được hỗ trợ bởi máy. Hiện Trung tâm đang hỗ trợ 10 công ty và 4 ngân hàng thương mại lớn nhưng vẫn chưa đầy công suất. Các sản phẩm ATTT của CMC Infosec này có thể đáp ứng phần nào thị trường ATTT.
(Nguồn: ictvietnam.vn)