SharePoint

Việt Nam và Australia hợp tác đào tạo và nghiên cứu CNTT cho Cách mạng 4.0

17/05/2018 15:35
(TTCNTT) - Chiều ngày 16/5/2018, Cơ quan thương mại và đầu tư Chính phủ Australia hợp tác với Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo hợp tác đào tạo ngành CNTT và truyền thông Việt Nam – Australia 2018.

Chiều ngày 16/5/2018, Cơ quan thương mại và đầu tư Chính phủ Australia hợp tác với Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo hợp tác đào tạo ngành CNTT và truyền thông Việt Nam – Australia 2018 nhằm giới thiệu năng lực của Australia trong lĩnh vực CNTT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho hay, Hội thảo hợp tác đào tạo là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước ở lĩnh vực ICT, hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tích cực triển khai thỏa thuận thiết lập đối tác chiến lược mà 2 nước vừa ký kết vào ngày 15/3/2018.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, hiện nay Việt Nam có 250 trường đại học, cao đẳng và 164 trường dạy nghề có đào tạo CNTT với số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 68.000 sinh viên , 18.000 học viên nghề, ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở đào tạo chuẩn kỹ năng CNTT.

Mặc dù vậy, số lượng và chất lượng đào tạo cần được cải thiện nhanh chóng để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phát triển, nhất là khi Việt Nam đang đặt ra mục tiêu chuyển đổi số, bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các cơ quan liên quan của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo chuyên sâu về CNTT và truyền thông để đào tạo ra thế hệ lao động mới có tri thức và kỹ năng thích ứng được với thay đổi trong kỷ nguyên kinh tế số.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu hụt khoảng 80.000 nhân lực cho gia công phần mềm, nhân lực trong lĩnh vực Blockchain cũng hết sức nóng bỏng trong năm 2018. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là nơi có nhu cầu nhân lực CNTT lớn, đòi hỏi người có kinh nghiệm rất cao, các doanh nghiệp ICT vừa và nhỏ tìm kiếm nhân lực cho doanh nghiệp mình rất khó khăn. Rất nhiều sinh viên giỏi ra trường chọn các doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Samsung.

Ông Vũ Thế Bình đưa ra kiến nghị, Chính phủ nên công bố các chiến lược để tiến tới Cách mạng 4.0 sớm như một số nước xung quanh, trong đó có phần giải quyết thách thức đe dọa do sự dịch chuyển nhân lực lao động.

Các cơ sở đào tạo cần có bộ huấn luyện đào tạo đa dạng, đào tạo các kỹ năng, trong đó có kỹ năng mềm. Hiện tại với sinh viên mới ra trường thì kỹ năng mềm là thách thức lớn, sinh viên thiếu kỹ năng trình bày, kỹ năng quản lý dự án.

Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra Tọa đàm về các giải pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số ở Việt Nam.

(Nguồn: http://ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây