SharePoint
Liên kết web
 
 

Thủ tướng đề nghị VNPT, Viettel, FPT cử chuyên gia giỏi để giúp xây dựng Chính phủ điện tử

15/05/2018 13:19
(TTCNTT) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị VNPT, Viettel và FPT cử chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Chiều 14/5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc về việc xây dựng Chính phủ điện tử. Tại buổi làm việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển vì năng suất thấp. Thông qua xây dựng Chính phủ điện tử góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân".

Với quyết tâm chính trị và các định hướng nêu trên, Thủ tướng nhất trí cần thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Ủy ban này sẽ do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng Thư ký. Cơ quan thường trực của Ủy ban đặt tại Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là việc kết nối phi tập trung về chia sẻ dữ liệu, cởi mở thông tin chưa có thể chế để thực hiện. Bộ TT&TT nghiên cứu xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu riêng tư, Nghị định về định danh điện tử của cá nhân, tổ chức, Nghị định về chia sẻ dữ liệu.

Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ TT&TT, các bộ, ngành địa phương khẩn trương trình Thủ tướng ban hành kế hoạch triển khai Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó chú trọng giải pháp Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành địa phương để tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng cung cấp và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công cho công dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta có quá nhiều các hệ thống thông tin tại các cấp nhưng không kết nối được, không chia sẻ được với nhau. Vì vậy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ trong tháng 11/2018 trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Về nguồn lực, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các cơ quan có liên quan của Việt Nam tìm kiếm nguồn lực phù hợp, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng lộ trình Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm. Thủ tướng đề nghị các tập đoàn VNPT, Viettel và FPT cử một số chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển Chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho hay, hiện nay các công nghệ như Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… đang phát triển rất nhanh và mang đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, phương thức làm việc, giao tiếp của người dân, doanh nghiệp. Điều này tạo ra những cơ hội, trong đó có cả những thách thức đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử để đáp ứng yêu cầu quản lý dựa trên nền tảng phát triển CNTT, Internet.

(Nguồn: http://ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây