(TTCNTT) - Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, các quy định của Luật An ninh mạng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hài hòa giữa việc đảm bảo an ninh mạng và sự phát triển của CNTT – TT.
Tháng 5 tới, dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam dự kiến trình Quốc hội thông qua với mục đích xây dựng một hành lang pháp lý đảm bảo môi trường mạng an toàn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế số và đáp ứng nhu cầu của cách mạng 4.0. Luật An ninh mạng với một số quy định có khả năng tác động trực tiếp đến quyền pháp lý và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp.
Buổi tọa đàm "Xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị từ doanh nghiệp Việt Nam" do Hội Truyền thông số Việt Nam được tổ chức sáng nay (8/5) với mục tiêu để các chuyên gia và doanh nghiệp tiếp tục thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo luật trước khi ban hành.
Đánh giá tác động của Dự thảo Luật an ninh mạng tới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận định, dự thảo Luật An ninh mạng có thể điều chỉnh trực tiếp và tác động đến quyền và lợi ích của 3 nhóm doanh nghiệp. Cụ thể là nhóm sản xuất và kinh doanh các thiết bị, giải pháp kỹ thuật về an ninh mạng; Nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ (Fintech) và nhóm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp và dịch vụ nội dung số, giải pháp công nghệ nói chung. Theo đó, IPS cho hay các quy định được đề xuất trong dự thảo Luật sẽ có thể làm gia tăng chi phí hoạt động cho các nhóm doanh nghiệp đã nêu (chi phí tuân thủ, chi phí giấy phép và thủ tục hành chính hay nguy cơ phát sinh giấy phép con,…
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các chuyên gia đã có thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo luật. Trong đó, đi sâu vào các đánh giá tác động của các quy định về an ninh mạng đến doanh nghiệp; Các chi phí và lợi ích kinh tế của quy định liên quan đến địa phương hóa dữ liệu cũng như các kinh nghiệm từ một số quốc gia trong khu vực hay làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được những lợi thế từ các khung pháp lý quốc tế sẵn có trong việc quản lý an ninh mạng...
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số cho biết: Cần tiếp tục làm rõ hơn nữa những hoạt động nào trên không gian mạng được coi là ảnh hưởng đến an ninh mạng, hay mức độ hoạt động nào có thể ảnh hưởng đến anh ninh mạng quốc gia và an toàn xã hội. Làm sao để các quy định mới trong Luật An ninh mạng sẽ không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (truyền thông số, CNTT, ATTT) và không ảnh hưởng đến sự phát triển của CNTT – TT. Do đó, cần cân nhắc thật kỹ để hài hòa giữa việc đảm bảo an ninh mạng cũng như sự phát triển của CNTT – TT.
"Hội thảo được tổ với sự góp mặt của các chuyên gia sẽ góp thêm tiếng nói tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hoàn thiện đối với Luật An ninh mạng sắp tới. Đồng thời giúp Hiệp hội, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước hiểu nhau hơn trước khi quyết định thông qua luật mới", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết, về tác động của dự thảo luật đối với doanh nghiệp thì so với bản dự thảo trước đây chỉ thay đổi về tiêu chuẩn kỹ thuật còn các quy định khác liên quan tới dữ liệu, máy chủ, tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp lại chưa được thay đổi và thảo luận nhiều.
Ngoài ra, một khía cạnh nữa được vị chuyên gia này nhắc tới đó là vấn đề bảo vệ dữ liệu thông tin người dùng cũng chưa được đề cập tới trong dự thảo luật lần này. "Trong dự thảo luật lần này nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan nhà nước nhiều quá, nhấn mạnh tới thanh tra kiểm tra và tác động tới tài khoản người dùng nhiều quá chứ chưa đánh hết được tác động của nó.
Đảm bảo an ninh mạng không phải chỉ trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý. Vai trò của người dùng, của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước phải đặt ngang hàng như nhau và phải làm thế nào để đảm bảo hài hòa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.
(Nguồn: http://ictnews.vn)