SharePoint
Liên kết web
 
 

Đặt hàng PTIT xây chương trình đào tạo nâng cao năng lực CNTT-TT tiếp cận cách mạng 4.0

09/05/2018 13:54
(TTCNTT) - Nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực về CNTT-TT tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0” vừa được Bộ KH&CN ra quyết định giao trực tiếp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) thuộc Bộ TT&TT thực hiện.

Bộ KH&CN mới đây đã ban hành Quyết định 1054 phê duyệt Danh mục đặt hàng 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao.

Theo đó, tại Quyết định này, Bộ KH&CN đã giao trực tiếp cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT thực hiện dự án “Nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Định hướng mục tiêu đặt ra với nhiệm vụ KH&CN mới được giao cho Học viện là: xây dựng được chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, đội ngũ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ sản phẩm về Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp.

Cùng với đó, xây dựng được các đề cương môn học cho các chương trình đào tạo; xây dựng được hệ thống bài giảng và bài giảng trực tuyến, bài thí nghiệm cho các môn học; triển khai đào tạo được nguồn nhân lực về IoT, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp.

Danh mục nhiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao vừa được Bộ KH&CN phê duyệt cũng nêu rõ yêu cầu đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực về CNTT-TT tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cụ thể, Học viện phải tạo ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu Bộ KH&CN đề ra. Trong đó, sản phẩm dạng I là 1 hệ thống đào tạo và đánh giá trực tuyến gồm có Phần cứng (hệ thống máy chủ hệ thống phần mềm quản lý bài giảng trực tuyến; hệ thống máy chủ lưu trữ bài giảng trực tuyến e-Learning; 20 bộ công cụ thực hành dành cho 4 chương trình đào tạo về IoT, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp); Hệ thống phần mềm với các tính năng.

Những tính năng của phần mềm quản lý hệ thống đào tạo trực tuyến bao gồm: phân hệ phần mềm tạo nội dung các khóa học dành cho giáo viên; phân hệ phần mềm quản lý nội dung; phân hệ phần mềm quản lý người dùng; phân hệ học liệu điện tử; có phiên bản ứng dụng trên máy tính, thiết bị di động chạy nền tảng iOS, Android…

Với mỗi phân hệ nêu trên, Bộ KH&CN cũng có những yêu cầu cụ thể về kết quả cần đạt. Đơn cử như, phân hệ phần mềm tạo nội dung các khóa học dành cho giáo viên phải cho phép tạo nội dung các khóa học gồm text, video, hình ảnh, tài liệu; phân quyền tạo nội dung cho nhiều giáo viên; tùy chỉnh các thông tin liên quan đến khóa học; lập lịch cho các khóa học; đánh giá kết quả khóa học qua các bài tập; hỗ trợ làm việc nhóm giữa các giáo viên trong cùng khóa học; tạo bài thi; tạo chứng chỉ số cho mỗi khóa học; xuất và nhập cả khóa học.

Yêu cầu với phân hệ phần mềm quản lý nội dung là phân hệ này phải có trang tin tức các khóa học; module đăng ký và đăng nhập; cho phép người dùng quản lý nội dung các khóa học của mình, hiển thị các khóa học theo danh mục, tìm kiếm các khóa học, học và theo dõi tiến trình học, thi trắc nghiệm, thảo luận trong mỗi khóa học.

Đối với phân hệ phần mềm quản lý người dùng, phải có tinh năng phân quyền cho người dùng (giáo viên, quản lý); quản lý người dùng trong mỗi khóa học; thống kê kết quả học tập sử dụng công nghệ BigData; sổ bảng điểm cho mỗi khóa học; thông báo kết quả qua email. Phân hệ học liệu điện tử của phần mềm quản lý hệ thống đào tạo trực tuyến được yêu cầu phải bao gồm 200 bài giảng điện tử và 2.000 câu hỏi trắc nghiệm.

Về sản phẩm dạng II của dự án, theo Danh mục, gồm có: 4 chương trình đào tạo có kèm phương thức đánh giá học viên về các nội dung IoT, Trí tuệ nhân tạo, Robot và điều khiển công nghiệp, Blockchain đáp ứng thực tiễn cho các học viên tham gia khóa học; 4 bộ đề cương môn học cho 4 chương trình đào tạo về IoT, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp đáp ứng tính thực tiễn cho các học viên theo học thông qua các ứng dụng/ minh họa thực tiễn;

4 hệ thống bài giảng và bài giảng trực tuyến, bài giảng thực hành cho các môn học của 4 chương trình đào tạo về IoT, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho học viên; 8.600 cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, đội ngũ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ sản phẩm về IoT, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Robot và điều khiển công nghiệp được nâng cao năng lực; bộ tài liệu thiết kế và xây dựng Hệ thống đào tạo và đánh giá trực tuyến.

Yêu cầu khác đối với Hệ thống đào tạo và đánh giá trực tuyến là phải được vận hành tại 1 địa chỉ ứng dụng cụ thể. Đồng thời, hệ thống phải được đánh giá kiểm định, thử nghiệm đáp ứng yêu cầu về trang bị cho người học các nội dung mới nhất liên quan tới Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2017, trên cơ sở nhận thức rõ những cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với quá trình phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ thị đã cụ thể hóa các giải pháp và nhiệm vụ đối với bộ, ngành, địa phương nhằm tạo môi trường, thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường khả năng tiếp cận, tận dụng được những cơ hội đổi mới, phát triển do cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; đồng thời hạn chế giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này với Việt Nam.

Trong Chỉ thị 16, một nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kết nối các chương trình, nhiệm vụ KH&CN để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình KH&CN quốc gia về Toán học, Vật lý, Khoa học cơ bản; các chương trình đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp...

Về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, liên quan đến việc nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, ngay từ tháng 8/2017, Học viện đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2017 - 2022. Khẳng định giai đoạn tới hoạt động KHCN sẽ đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển của Học viện, Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2017 - 2022 của trường cũng đã xác định rõ KHCN sẽ hỗ trợ đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

 (Nguồn: http://ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây