SharePoint
Liên kết web
 
 

Hội thảo Nhật - Việt về công nghệ không dây tiên tiến cho giao thông, cảnh báo thiên tai

08/05/2018 09:10
(TTCNTT) - Các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng trao đổi về các công nghệ vô tuyến tiên tiến nhất được ứng dụng cho giao thông, hàng không, cảnh báo thiên tai.

Ngày 2/5/2018, tại Hà Nội, Bộ TTTT và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã phối hợp tổ chức Hội thảo Giải pháp và công nghệ không dây Việt Nam - Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm và Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Manabu Sakai đã tham dự Hội thảo. 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nhấn mạnh sự phát triển của các mạng thông tin di động 4G, 5G với tốc độ truyền dữ liệu rất cao (1000 Mbp/s), độ tin cậy rất cao và độ trễ thấp đòi hỏi cơ quan quản lý phải dành lượng băng tần vô tuyến lớn để phát triển mạng lưới. Sự phát triển nhanh của đất nước cùng với các ngành dịch vụ vận tải hàng không, hàng hải cũng kéo theo sự đòi hỏi về các mạng thông tin liên lạc cho các hệ thống vận tải này. Ứng dụng của các thông tin vệ tinh ngày càng đa dạng, hữu dụng cho cuộc sống của người dân như dự báo thời tiết, quảng bá truyền hình đến vùng sâu vùng xa. Do đó, Bộ TTTT đã có các nghiên cứu lâu dài, có các chính sách phù hợp về băng tần vô tuyến nhằm hài hòa với các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các ứng dụng không dây với giá thành rẻ.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Phan Tâm, sự phát triển đa dạng và mạnh mẽ của công nghệ vô tuyến cũng đã tạo ra những hệ mạng thông tin vô tuyến đan chéo nhau, có khả năng gây can nhiễu, làm ảnh hưởng lẫn nhau. Việc nghiên cứu và xây dựng các hệ thống kiểm soát, giám sát thông tin vô tuyến cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TTTT. Bộ TTTT luôn ủng hộ, và có các chính sách và sự đầu tư phù hợp về hệ thống kiểm soát vô tuyến, nhằm giúp giảm thiểu tình trạng can nhiễu giữa các hệ thống vô tuyến.

Với sự phối hợp của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản, Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp và công nghệ không dây Việt Nam - Nhật Bản”, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là cơ hội tốt cho các chuyên gia về lĩnh vực TTTT nói chung, các chuyên gia về quản lý tần số nói riêng, có thể cùng nhau, trao đổi và chia sẻ các thông tin cập nhật về các công nghệ đang được phát triển trên thế giới.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Tần số VTĐ đã trình bày về quản lý tần số tại Việt Nam. Ông Tuấn cho biết Việt Nam luôn tuân thủ thể lệ thông tin vô tuyến thế giới của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và đồng thời nghiên cứu các nhu cầu phổ tần của Việt Nam. Cứ sau mỗi kỳ của thể lệ thông tin vô tuyến thế giới được thay đổi, Việt Nam cũng nghiên cứu và quy hoạch lại phổ tần của Việt Nam. Việt Nam cũng luôn luôn hài hòa với các nước trong khu vực, đặc biệt là trong ASEAN, cũng như trong châu Á - Thái Bình Dương. Quy hoạch phổ tần số quốc gia cũng đáp ứng xu thế phát triển của công nghệ mới nhất, cũng như đáp ứng thị trường và nhu cầu của Việt Nam. Quy hoạch phổ tần số quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành lần đầu năm 1998, và qua các năm đều được cập nhật thông tin. Quy hoạch mới nhất được ban hành năm 2017 dựa trên kết quả Hội nghị vô tuyến thế giới thứ 15 (WRC15) diễn ra vào năm 2017. Bộ TTTT có trách nhiệm tham mưu Thủ tướng Chính phủ về các nội dung sửa đổi quy hoạch phổ tần số. Bộ TTTT cũng ban hành các quy hoạch về phân kênh tần số và quy hoạch băng tần phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch tần số tại Việt Nam.

Về băng tần cho 5G và IoT tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn, ông Tuấn cho biết gần đây Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến 5G và cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0). Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị gửi cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương về việc sẵn sàng cho 5G và CMCN 4.0, trong đó có vấn đề IoT.

Về 5G, ITU đã đưa ra những khái niệm, nội dung, yêu cầu cho 5G, dựa trên 3 trụ cột: siêu băng rộng, độ trễ cực thấp và nhiều kết nối (massive connection). Trong tương lai, mạng vô tuyến sẽ có thay đổi lớn và hiện nay đang đưa ra khái niệm new radio. 4G là thành phần cơ bản của mạng 5G trong tương lai. ITU cũng đã đưa hiệu suất kỹ thuật của 5G, đối với tốc độ dữ liệu đỉnh (peak data rate) gồm downlink là 20 Gbit/s, uplink là 10Gbit/s , tốc độ trải nghiệm downlink 100 Mbit/s, uplink là 50Mbit/s. Chỉ tiêu yêu cầu độ trễ chung là 4 ms, song chỉ là 1 ms cho các ứng dụng y tế, xe tự hành, yêu cầu độ trễ cực thấp. Ngoài ra, đối với 5G so với 4G phục vụ kết nối lớn hơn nhiều lần so với 4G như vùng phủ trong sân vận động…, 5G có thể đáp ứng mật độ kết nối (connection density) gấp 10 lần. Tốc độ di chuyển (mobility) của 5G đạt 500 km/h.

Để chuẩn bị cho 5G, các băng tần mới sẽ được bàn thảo tại châu Á, các nhóm nghiên cứu của ITU về các đoạn băng tần cao cho IoT, 5G sẽ được quyết định tại WRC 2019 , đó là băng tần từ 24 GHz – 86 GHz. Hiện nay quan điểm của các nước châu Á - Thái Bình Dương tập trung nghiên cứu băng tần dưới 4 GHz. Nhiều nước đã định hướng băng tần dưới 6 GHz để phát triển 5G trong tương lai. Việt Nam có quan điểm khác so với các nước do nhu cầu sử dụng tại Việt Nam, đặc biệt băng tần 3,4 – 3,7 GHz đang dùng cho thông tin vệ tinh, nên chưa đưa vào phát triển trong tương lai gần. Băng tần cao 28 GHz cũng đang được Việt Nam sử dụng cho thông tin vệ tinh và đang thảo luận để đi tới thống nhất trong châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, Việt Nam ủng hộ băng tần cao 24,25 - 27,5 GHz và đưa ra các chính sách để giải phóng băng tần cho 5G trong tương lai.

Về IoT, các DN Việt Nam đang thử nghiệm công nghệ LoRa và SigFox và Cục Tần số VTĐ đưa ra băng tần để DN thử nghiệm, cụ thể trên băng tần 433 MHz và 920 MHz  để phục vụ phát triển hệ thống IoT. Ngoài ra, một công nghệ đang được phát triển rất mạnh là Narrowband IoT, với độ rộng băng rất nhỏ 200 kHz, nằm trên dòng của công nghệ LTE. Từ phiên bản LTE 13, công nghệ đã hỗ trợ Narrowband IoT, đảm bảo về công suất lớn hơn, an toàn an ninh cho hệ thống IoT. Cục Tần số VTĐ đang nghiên cứu và quy hoạch một số đoạn băng tần trên các dải tần 700 MHz, 800 MHz, 900 MHz để phát triển Narrowband IoT tại Việt Nam.

Ông Tuấn cũng cho hay CMCN 4.0 là chủ đề nhiều nước và Việt Nam đang quan tâm. Công nghệ của CMCN 4.0 so với CMCN 3.0 (massive production) với giá thành rẻ nhưng hạn chế của công nghệ CMCN 3.0 là sản phẩm đặt hàng đơn lẻ rất cao, trong khi đó CMCN 4.0 sẽ vừa đáp ứng vừa phục vụ sản xuất hàng loạt và rất nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng (massive production and massive customization). Để làm được như vậy, theo ông Tuấn, cần phải xây dựng được không gian mạng không dây (wireless IoT), có nghĩa là kết nối được giữa các robot, các thiết bị trong nhà máy, nhà sản xuất, khách hàng, cũng như  nhà cung cấp vật liệu sản xuất và và tạo ra không gian mạng riêng ảo. Để làm được việc đó, cần có điện toán đám mây, IoT. “Cục Tần số VTĐ rất quan tâm đến IoT khi đón nhận làn sóng của CMCN 4.0”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các công ty sản xuất thiết bị vô tuyến điện tử Nhật Bản như Mitsubishi Electric Company, Japan Radio Co. Limited, Toshiba Corporation, NEC corporation, Toyota Techonology Center... đã giới thiệu giải pháp và công nghệ không dây của Nhật Bản hiện nay đang áp dụng cho các lĩnh vực như giao thông, hàng không, cảnh báo thiên tai...

 (Nguồn: http://ictvietnam.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây