SharePoint

Phát triển kinh tế số và vấn đề an toàn thông tin, an toàn số

11/04/2018 13:56
(TTCNTT) - Việt Nam đang chứng kiến đồng thời sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số đi kèm với gia tăng các rủi ro về an ninh mạng. Do đó, đòi hỏi chính sách an ninh mạng phải được đánh giá lại và có bước tiến mới để đối phó với những lo ngại về an ninh an toàn thông tin cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.

Phát triển hạ tầng kinh tế số tại Việt Nam

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng Internet tại Việt Nam là hơn 17,7 triệu nhưng tới năm 2017 đã tăng lên mức 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số, đạt mức tăng trưởng 261%. Con số này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất.

Trong hệ thống kinh tế số, có 3 thị trường nổi bật nhất là viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử (TMĐT). Theo đại diện IPS, ông Nguyễn Quang Đồng, chỉ tính riêng TMĐT, tổng doanh thu năm 2016 đã đạt mức là 5 tỷ USD, đạt tỷ trọng là 3% so với mức tăng trưởng 20%. Năm 2017, 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành nghề nhận được huy động vốn đầu tư.

Các thị trường viễn thông và CNTT cũng đã liên tục phát triển và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD vào năm 2016; trong khi doanh thu CNTT lên tới 67,6 tỷ USD. Trong 6 năm trở lại đây, có đến 7% doanh nghiệp mới được thành lập nằm trong 2 lĩnh vực này, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

An toàn thông tin, an toàn số trong sự phát triển của kinh tế số

Có thể thấy, CNTT-TT đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào GDP và có tác động lan tỏa cho sự phát triển. CNTT hiện được ứng dụng mạnh mẽ trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống kinh tế, xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng hỗ trợ cho nền kinh tế số phát triển nhanh.Trong bài trình bày tại Hội thảo “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng tại Việt Nam”, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ  CNTT, Bộ TTTT cho biết để phát triển kinh tế số tại Việt Nam có 6 điểm cần quan tâm, đó là: Phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp; Cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nền tảng/hệ sinh thái; Phát triển giải pháp phần mềm/phần cứng đột phá; Triển khai mô hình nghiệp vụ số; Khai thác nguồn tài nguyên số và Đảm bảo an toàn thông tin số.

Kinh tế số không chỉ là công nghệ mà đó là sự thay đổi tư duy, cách tiếp cận của doanh nghiệp trước hết về mô hình kinh doanh số, mô hình hoạt động số để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Trong nền kinh tế số, dữ liệu là một nguồn tài nguyên đặc biệt, hiện có nhiều doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào dữ liệu và dữ liệu lớn. Việc thu thập và tổ chức dữ liệu tổng thể; Phân tích để đánh giá, hoàn thiện và dự báo cho phép các doanh thực thực hiện những chuyển đổi và sáng tạo thành công. Xu hướng sử dụng dữ liệu ngày càng tăng dẫn tới để khai thác dữ liệu cần phải đầu tư một hạ tầng đầy đủ và bài bản. Việc chia sẻ dữ liệu chính là cốt lõi của sự sáng tạo, do đó việc đảm bảo an toàn thông tin số là rất quan trọng, nó tác động đến tình trạng và ý thức truy cập, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, các rủi ro an ninh mạng cũng gia tăng nhanh chóng. Chúng gia tăng trên tất cả các phương diện: các loại rủi ro mới; số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại. Theo hãng bảo mật Kaskerpy, năm 2017 có 35,01% người dùng Internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam – VNCERT thống kê được trong năm 2017 Internet Việt Nam đã bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng.

http://ictvietnam.vn/files/tccntt/source_files/2018/04/02/rui-ro-an-ninh-mang-160453-020418-81.jpg

6 loại rủi ro mạng mà người dùng Việt Nam đang phải đối mặt

Có thể thấy, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam cũng phải hứng chịu những thiệt hại từ sự gia tăng các rủi ro về an ninh mạng. Ngoài các rủi ro đã được nhận diện – như tấn công mạng và tội phạm mạng; các rủi ro khác gồm: xâm phạm quyền riêng tư và khai thác trái phép dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại cũng như phi thương mại; vấn đề tin giả, thông tin không chính xác; phát ngôn thù ghét cũng đã gia tăng đáng kể với người dùng Internet, với doanh nghiệp. Tấn công số cũng gây tác động lớn tới dịch vụ, tài nguyên,thiết bị vật lý, thậm chí cả uy tín doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, cơ quan chính phủ.

Mặc dù hiện chưa có một chiến lược quốc gia tổng thể và toàn diện về an ninh mạng, song các giải pháp chính sách của Việt Nam ở từng mức độ nhất định đã được hình thành. Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế số và Chính sách an ninh mạng tại Việt Nam” , nhìn từ tổng thể Việt Nam hiện nay gặp phải 6 vấn đề cần chú ý khi xây dựng hệ thống chính sách an ninh mạng. Trong đó, xâm phạm quyền riêng tư; rò rỉ dữ liệu và khai thác trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước phải đối mặt. 

 (Nguồn: http://ictvietnam.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây