(TTCNTT) - Nhật Bản, một trong số các quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đang chứng kiến làn sóng mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh vào thị trường của đất nước Mặt Trời mọc.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 13/3, tập đoàn FPT đã khai trương văn phòng đại diện thứ 6 tại thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka.
Trước đó, ngày 7/11/2017, tập đoàn CMC cũng mở văn phòng đầu tiên tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa và dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 1000 nhân viên làm việc cho thị trường Nhật Bản.
Các doanh nghiệp nhỏ hơn như NAL cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng tại khu vực Tokai, sau khi đã mở văn phòng đại diện tại Tokyo và Nagoya.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân dịp khai trương văn phòng thứ 6 tại Shizuoka, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình đánh giá thị trường Nhật Bản có tiềm năng vô cùng lớn, “lớn tới mức mà ai làm cũng không xuể.”
Dự kiến đến năm 2020, xuất khẩu phần mềm Việt Nam từ mốc 300 triệu USD có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD; số lập trình viên làm việc cho thị trường Nhật Bản trong thời gian tới có thể tăng từ 10.000 lên đến 300.000 lập trình viên.
Đối với FPT, thị trường Nhật Bản đang chiếm hơn 1/2 doanh thu toàn cầu của tập đoàn.
Hiện FPT đang có khoảng hơn 400 khách hàng Nhật Bản, trong đó có 50 công ty thuộc danh sách các doanh nghiệp lớn nhất thế giới, tăng trưởng của FPT hàng năm tại Nhật Bản luôn duy trì ở mức cao là 30%.
Theo ông Trương Gia Bình, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở chi nhánh tại Nhật Bản.
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đang cổ vũ mạnh mẽ xu hướng này, để tạo nền tảng đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm trong con mắt khách hàng Nhật Bản.
Đối với một thị trường lớn như Nhật Bản, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sẽ tạo ra “những liên minh chia sẻ, chứ không phải cạnh tranh.”
Riêng với FPT, việc càng có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư vào Nhật Bản sẽ càng thúc đẩy FPT phát triển, bởi điều này giúp khách hàng Nhật Bản hiểu rằng Việt Nam là sự lựa chọn hấp dẫn.
Đánh giá về lợi thế của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khi đầu tư vào Nhật Bản, ông Trương Gia Bình cho rằng sự gần gũi về văn hoá chính là lợi thế thứ nhất.
Thứ hai là quan hệ chính trị, kinh tế-xã hội giữa hai nước chưa bao giờ tốt như hiện nay.
Thứ ba, Việt Nam với dân số trẻ cùng giá nhân lực rẻ có thể giúp Nhật Bản trẻ hoas lực lượng lao động trong lĩnh vực phần mềm.
Cuối cùng, Việt Nam đang là nguồn cung cấp mà nhiều công ty Nhật Bản chờ đợi trong các lĩnh vực công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo, robot, phân tích dữ liệu lớn.
Giải thích về triết lý kinh doanh của FPT, đặc biệt đối với thị trường Nhật Bản, ông Trường Gia Bình cho biết FPT có triết lý kinh doanh là “customer obsession” (tạm dịch là "ám ảnh về khách hàng”).
Điều này nghĩa là FPT luôn phải gần khách hành nhất, hiểu khách hàng nhất, đáp ứng khách hàng với mức độ cao nhất.
Đây là lý do FPT đến Nhật Bản và có văn phòng thứ 6 tại thành phố Hamamatsu, Shizuoka, cùng với 5 văn phòng khác tại Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka, Okinawa.
Theo ông Trương Gia Bình, ngành công nghiệp ôtô với động cơ điện, xe tự lái, kết nối; cùng sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ trong tài chính – ngân hàng (Fintech, Blockchain) đã và sẽ là chiến lược sắp tới của FPT.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)