SharePoint
Liên kết web
 
 

Đào tạo an ninh mạng chưa theo kịp thực tế

25/12/2017 15:23
(TTCNTT) - Theo CMC Infosec, chương trình đào tạo về an ninh, an toàn thông tin tại Việt Nam phần nhiều chưa cập nhật kịp với tình trạng thực tế đang diễn ra, khiến các sinh viên sau khi ra trường vẫn chưa thể làm được việc.

Tại tọa đàm “Làm gì để bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước” do ICTnews tổ chức mới đây, đánh giá về thực tế đào tạo nhân lực an ninh mạng tại Việt Nam, ông Triệu Trần Đức, Tổng Giám đốc CMC Infosec cho rằng hiện nay tín hiệu tích cực là có nhiều sinh viên ngày càng quan tâm đến ngành học an ninh, an toàn thông tin (ATTT).

“Ngành học an ninh, an toàn thông tin đang mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ với thu nhập cao hơn so với một số ngành nghề CNTT khác”, ông Triệu Trần Đức nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bên cạnh cơ hội nghề nghiệp đang rộng mở thì thực tế vấn đề đào tạo còn nhiều hạn chế. Một số chương trình đào tạo về an ninh, an toàn thông tin tại Việt Nam còn chưa cập nhật kịp với tình trạng thực tế đang diễn ra, dẫn tới thực trạng các sinh viên sau khi ra trường vẫn chưa thể làm được việc.

“Tôi cho rằng phải tăng cường chất lượng đào tạo càng sớm càng tốt. CMC Infosec sẵn sàng hợp tác với các đơn vị đào tạo để tư vấn về nội dung và các kịch bản đào tạo, nhằm đưa chất lượng bắt kịp với trình độ thế giới”, ông Đức bày tỏ.

Chung quan điểm với ông Triệu Trần Đức, các đánh giá của giới công nghệ trong thời gian qua cũng cho rằng việc đào tạo an ninh mạng tại Việt Nam phần lớn còn thiếu tính thực tiễn về kiến thức, phương pháp học, các trường chưa có điều kiện để sinh viên có thể thực hành do đây là một ngành còn mới, tốc độ thay đổi chóng mặt.

Quan trọng hàng đầu chính là vấn đề về phương pháp học, sinh viên đang thụ động mà chưa có kỹ năng học chủ động.

Nếu học chủ động thì với những kiến thức nền tảng được học ở trường, các em hoàn toàn có thể tự bù đắp phần thực tiễn bằng việc tìm thông tin từ các nguồn khác, thậm chí từ những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực an ninh mạng nói riêng hay các ngành khác nói chung, ví dụ như thông qua việc xin thực tập ở các đơn vị đó.

Nhằm khắc phục các hạn chế, thời gian gần đây nhiều hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức về bảo mật trong và ngoài nước như Bkav, CMC Infosec, Kaspersky… cũng được đẩy mạnh. Nhiều trường đại học thắt chặt hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Đại học và sau Đại học về an toàn, bảo mật thông tin.

Đáng chú ý, nhằm tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực an toàn, an ninh thông tin, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 (Đề án 99).

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 Tiến sĩ; đào tạo 2.000 học viên có trình độ Đại học và trên Đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao; đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài.

Đề án cũng tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh thông tin cho 10.000 lượt cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin và CNTT tại các cơ quan nhà nước.

(Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây