(TTCNTT) - Theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao và biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập quốc tế
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết cần phải phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của các cuộc cách mạng chuyên ngành thế hệ mới mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo, Internet cùng với sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số, cách mạng 4.0 đã tạo ra những thách thức.
Cụ thể, tại Việt Nam, các ngành sử dụng nhiều nhiều lao động như dệt may, da giày,.. sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng như robot hóa, tự động hóa và gây ảnh hưởng đến việc làm của hàng nghìn người lao động. Nhiều cơ chế chính sách hiện hành chưa tác động hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của chuyển đổi thông minh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chưa thích ứng được với sự phát triển của công nghệ thông minh; CNTT; sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối; chưa có sáng tạo đột phá. Trình độ của nền kinh tế với xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn lạc hậu. Việt Nam cần phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu, dư thừa lao động trình độ thấp; trình độ lao động lạc hậu mất cân bằng,….Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới, bị động trước các xu thế công nghệ mới và chưa chuyển hướng, trong khi đó áp lực ngày càng gay gắt.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp thông minh, thúc đẩy Công nghiệp 4.0. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg chỉ ra các định hướng giúp Việt Nam tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và kết nối dữ liệu quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ CNTT, xây dựng chính phủ điện tử.
"Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập quốc tế. Chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ đặc biệt là nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao".
"Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và làm chủ hệ tri thức số hóa khơi dậy niềm đam mê, khát vọng sáng tạo nhất là trong thế hệ trẻ ứng dụng CNTT đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, quy hoạch phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT khiến cho nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao. Báo cáo về ngành CNTT Việt Nam 2017 (hồi tháng 7) của mạng việc làm Vietnamworks cho hay nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016.
Theo dự báo của Vietnamworks, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ ra trường trong năm 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT.
Số liệu trước đó từ Bộ TT&TT cho biết tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT hiện nay là hơn 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử là khoảng 300.000 người. Số còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.
(Nguồn: ictnews.vn)