Sáng ngày 22/11, sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ TT&TT các thời kỳ, đại diện các doanh nghiệp viễn thông và CNTT Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định, 20 năm trước, ngày 19/11/1997 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành TT&TT Việt Nam, đây là ngày đã diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam chính thức kết nối với Internet - xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Trong 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi người ở khắp các quốc gia, để cùng nhau chia sẻ thông tin, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam như hiện nay, cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, CNTT tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205 nghìn người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Internet Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thuộc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây là tiền đề thuận lợi để chúng ta thúc đẩy, tăng cường việc phát triển hệ sinh thái Internet tại Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của CNTT, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Vì vậy, cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, chúng ta cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VCCorp. Các doanh nghiệp này không chỉ có được chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Nhiều sản phẩm ứng dụng trên Internet do doanh nghiệp, cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế như trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, hay ứng dụng học trực tuyến Monkey Junior - Giải nhất Cuộc thi Sáng kiến Toàn cầu 2016. Tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet đang phát triển rất mạnh mẽ, nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, mã QR… cũng đã được các doanh nghiệp trong nước phát triển thành sản phẩm hoàn thiện, có khả năng thương mại hóa cao.
Đối với các cơ quan nhà nước, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hàng trăm dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai ở mức độ 3, mức độ 4, mang lại sự tiện ích và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều Bộ, ngành, địa phương còn mở các tài khoản chính thức trên mạng xã hội để có thể tương tác với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ người sử dụng.
Đó là những nền móng cho các ứng dụng Internet ở cấp độ cao hơn, phức tạp và quy mô lớn hơn như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế và giáo dục thông minh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh những giá trị làm thay đổi sâu sắc, tích cực đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân Việt Nam, Internet cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều. Các vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào các mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam hiện đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT và các Bộ, ngành liên quan đã và đang thường xuyên, liên tục triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.
Bộ trưởng nhận định, thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Để có thể làm được điều này, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững, thậm chí là đủ lớn mạnh để tiếp tục tiến bước ra thế giới. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải triển khai sớm nhiều quyết sách và giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng tin tưởng, với nền tảng hạ tầng viễn thông, CNTT và nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực TT&TT như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được những kỳ vọng này.
Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CNTT, Internet, Bộ TT&TT khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững, để trong những năm tới đây, chúng ta có thể tự hào ghi nhận nhiều hơn nữa các doanh nghiệp của Việt Nam tiến ra nước ngoài thành công, ghi sâu dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng tại sự kiện, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Internet – nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên gia và các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành như Viettel, VNG, VNPT, VCCorp, FPT,...
Tại sự kiện, Hiệp hội Internet Việt Nam đã công bố kết quả bình chọn 10 cá nhân và 10 doanh nghiệp ứng dụng và nội dung số có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ (2007 - 2017) do Hiệp hội Internet Việt Nam và ICTnews phối hợp tổ chức bình chọn. 10 cá nhân đó là: 1-Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT; 2-Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CMC; 3-Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel; 4-Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT; 5-Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam; 6-Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG; 7-Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav; 8-Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT; 9-Ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập VnExpres; 10-Ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT.
Cuộc thi “Chatbot 2017” được phát động vào cuối buổi lễ nhằm tạo ra sân chơi cho cộng đồng các startup, các lập trình viên trẻ và nhiệt huyết tranh tài.
Trong phiên họp buổi chiều của Hội thảo Internet Day 2017 sẽ diễn ra 2 chuyên đề với chủ đề: “Tài nguyên số - cơ hội và thách thức” và “Kinh tế số ở Việt Nam - có gì cho doanh nghiệp Việt?”.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)