Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/11/2017. Tại hội nghị này, Vụ trưởng Vụ CNTT Đào Đình Khả đã trình bày dự thảo báo cáo tổng kết tình hình 10 năm thi hành Luật CNTT năm 2006.
Nhận định an toàn thông tin đang trở thành vấn đề quan trọng được quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực CNTT, ông Khả cho biết, thực thi các quy định về an toàn thông tin tại Luật CNTT, nhiều đề án, chương trình nhằm thúc đẩy bảo đảm an toàn thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin đã từng bước được nâng cao. Theo kết quả khảo sát năm 2016, đã có 65,5% tổ chức, doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách và 16,8% tổ chức, doanh nghiệp có cán bộ bán chuyên trách về an toàn thông tin. Đây là một điểm tích cực trong công tác tổ chức, nhân sự về an toàn thông tin tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Khảo sát cũng cho thấy, tỉ lệ các tổ chức, doanh nghiệp có khả năng ghi nhận các hành vi tấn công mạng (kể cả chưa thành công) vào hệ thống thông tin của đơn vị mình đã tăng thêm 16% trong năm 2016 với 62% tổ chức, doanh nghiệp có khả năng ghi nhận so với tỉ lệ 46% của năm 2015.
Tỉ lệ các tổ chức, doanh nghiệp có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi lại những cuộc tấn công mạng đã có sự cải thiện, với 49% tổ chức, doanh nghiệp có quy trình thao tác chuẩn, tăng 12% so với năm 2015.
Cung trong năm 2016, theo khảo sát, các tổ chức, doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến công tác xây dựng quy chế an toàn thông tin cho đơn vị của mình, với 63% tổ chức, doanh nghiệp đã ban hành quy chế này, tăng 15% so với năm 2015 (48%).
Tuy nhiên, ông Khả cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn thông tin vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như, năm 2016, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách những nước có tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao trên thế giới.
Theo đánh giá của các hãng phần mềm trong và ngoài nước, đối với Việt Nam, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại trên máy vi tính vào khoảng 63,19%, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại trên thiết bị di động vào khoảng 21,61%. Phương thức lây nhiễm phổ biến vẫn là lây nhiễm qua thiết bị đa phương tiện kết nối với máy tính như USB, ổ cứng di động, thẻ nhớ…
Về tấn công mạng, Việt Nam đã gặp phải 135.190 cuộc tấn công mạng trong năm ngoái, gấp 3,5 lần so với năm 2015, trong đó có 10.276 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 47.135 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 77.779 cuộc tấn công thay đổi giao diện.
Thống kê cũng cho thấy, cả 3 loại hình tấn công mạng đều tăng về số lượng so với năm 2015, cụ thể: tấn công lừa đảo gấp khoảng 1,8 lần, tấn công cài phần mềm độc hại gấp khoảng 2,1 lần và tấn công thay đổi giao diện gấp khoảng 7,5 lần. Trong số các cuộc tấn công mạng đó, có 201 cuộc tấn công thay đổi giao diện vào các hệ thống có tên miền “.gov.vn”. Đáng chú ý, Việt Nam bắt đầu được ghi nhận là quốc gia có nhiều người sử dụng bị tấn công bởi các loại phần mềm độc hại Trojan liên quan đến thông tin tài khoản ngân hàng của người sử dụng.
Về tỉ lệ thư rác, Việt Nam là một trong những quốc gia cao nhất về tỉ lệ thư rác. Tỉ lệ thư rác (bao gồm: Thư điện tử, tin nhắn SMS, tin báo giả mạo trên thiết bị di động, thư/tin nhắn quảng cáo…) trên toàn thế giới trung bình khoảng 58,31%, tăng 3,03% so với năm 2015 (55,28%). Tỉ lệ này chỉ ra cứ trong 100 thư được gửi đi thì có khoảng 58 thư rác. Trong đó, số lượng thư rác được phát tán từ Việt Nam chiếm tỉ lệ khoảng 10,32% tổng thư rác trên thế giới, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015 (6,1%). Như vậy, trên phạm vi toàn cầu trong 100 thư được gửi đi có khoảng 58 thư rác và có 06 thư rác được phát tán từ Việt Nam.
Đại diện Vụ CNTT cho rằng, dù đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua do được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhưng tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và đáng lo ngại.
(Nguồn: ictnews.vn)