SharePoint
Liên kết web
 
 

Cơ quan nhà nước cần tích cực thuê giải pháp an toàn thông tin của doanh nghiệp nội

09/11/2017 16:48
(TTCNTT) - Chia sẻ tại hội nghị về sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin (ATTT) mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam, đại diện Cục ATTT nhấn mạnh quan điểm khối cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh thuê giải pháp ATTT của doanh nghiệp nội

Trong tham luận về vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa vừa chia sẻ tại hội nghị về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam được tổ chức sáng nay, ngày 8/11 tại Hà Nội, ông Trần Mạnh Thắng, đại diện Cục ATTT - Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ban Điều hành Điều hành 898 cho biết, Quyết định 898 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/5/2016 phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo ATTT giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ phát triển tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước và doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò chủ đạo tại thị trường dịch vụ ATTT trong nước.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT được Chính phủ giao xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa. Thời gian qua, Cục ATTT đã tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm với các doanh nghiệp, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) để có thông tin xây dựng Đề án. Cụ thể, tháng 6/2017, Cục đã tổ chức tọa đàm với gần 20 doanh nghiệp và VNISA; tiếp đó trong tháng 7 năm nay, Cục tổ chức làm việc với 5 doanh nghiệp lớn về CNTT, ATTT; và đến giữa tháng 9 vừa qua, sau khi Cục báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng về các quan điểm lớn xây dựng Đề án, Thứ trưởng đã chủ trì buổi họp giữa các đơn vị trong Bộ TT&TT về Đề án này. Hiện Đề án đã được Bộ TT&TT hoàn thiện, trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Đề cập đến tình hình phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa, đại diện Cục ATTT cho hay, theo báo cáo khảo sát ATTT Việt Nam 2016 do VNISA thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, 5 sản phẩm ATTT trong nước được sử dụng phổ biến gồm có: hệ thống phát hiện xâm nhập (IDP/IPS) trong mạng  (42%); hệ thống phòng chống tấn công DoS/DDoS (40%); tường lửa (40%); phần mềm chống virus mức mạng (22%) và bộ lọc chống thư rác (16%). “Từ những con số này cho thấy, tỷ lệ đầu tư so với nhu cầu thực tế vẫn rất thấp”, đại diện Cục ATTT nhận định.

Cũng theo Cục ATTT, đến nay có 6 nhóm giải pháp ATTT do doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ: bộ sản phẩm phòng chống phần mềm độc hại; giải pháp phòng chống tấn công có chủ đích; giải pháp bảo đảm ATTT cho ứng dụng web; giải pháp phòng chống xâm nhập; giải pháp bảo đảm ATTT cho thư điện tử; và giải pháp quản lý truy cập, giám sát an toàn mạng tập trung.

Các dịch vụ ATTT được doanh nghiệp cung cấp phổ biến ra thị trường trong nước chia thành 5 nhóm, bao gồm: bóc gỡ phần mềm độc hại, tấn công có chủ đích; kiểm tra, đánh giá ATTT; giám sát ATTT và hỗ trợ xử lý sự cố ATTT; tư vấn triển khai giải pháp bảo đảm ATTT; đào tạo về ATTT. Đối tượng sử dụng các dịch vụ chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và khối các cơ quan Chính phủ.

Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp trong nước, Cục ATTT đã tổng hợp một số khó khăn cũng như kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Theo đó, một số doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường đầu ra; nguyên nhân là do tâm lý “sính ngoại” của người dùng, muốn sử dụng các sản phẩm thương mại của các hãng nước ngoài mà chưa tin tưởng chất lượng các sản phẩm trong nước; do nhận thức của người dùng về sản phẩm thương hiệu Việt cũng như các ưu điểm mà sản phẩm Việt mang lại so với sản phẩm nước ngoài còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước còn khó cạnh tranh với các doanh nghiệp hoặc giải pháp nước ngoài do các yêu cầu đưa ra trong các dự án như: các chứng chỉ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ý kiến của các doanh nghiệp được Cục ATTT tổng hợp, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách của nhà nước để có đủ sở cứ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa; cũng như chưa có hình thức đánh giá, xếp hạng sản phẩm của các hãng trong nước và các hãng nước ngoài để đơn vị đầu tư có cơ sở lựa chọn sản phẩm.

Ở góc độ của VNISA, đề cập đến thực trang của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ATTT, ông Nguyễn Chí Thành - Chánh Văn phòng Hiệp hội cho biết, ngoài một số doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC và Bkav, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn rất non trẻ, quy mô nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm hoạt động có hạn chế.

Sau hơn 1 năm kể từ khi Luật ATTT mạng chính thức có hiệu lực và Nghị định 108 quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng được ban hành, số lượng doanh nghiệp đã được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT đến ngày 5/7/2017 là 7 doanh nghiệp – một con số rất khiêm tốn so với số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT.

Theo vị đại diện VNISA, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm ATTT phần lớn là nhà phân phối hoặc đại lý cho các công ty nước ngoài. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng các sản phẩn ATTT do doanh nghiệp tự nghiên cứu, sản xuất được đăng ký bình chọn danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao của năm” do VNISA tổ chức, còn rất khiêm tốn. Đơn cử như, năm 2015 có 6 sản phẩm của 6 doanh nghiệp đăng ký; thì đến năm nay con số này là 12 sản phẩm, dịch vụ của 9 doanh nghiệp.

Cùng với việc đề nghị Bộ TT&TT, cụ thể là Cục ATTT quan tâm rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT cho các doanh nghiệp trong nước, đại diện VNISA cũng cho rằng: “Chúng ta không thể chỉ dựa vào sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài để bảo vệ tài nguyên của mình. Nhà nước cần quan tâm giành một nguồn vốn đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm ATTT cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tự tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của đất nước”.

Chia sẻ quan điểm của Cục ATTT với vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa, đại diện Cục ATTT cho hay, trong bối cảnh nguồn lực cho việc bảo đảm ATTT rất hạn hẹp, cần ưu tiên đầu tư có trọng tâm trong điểm; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đã có các giải pháp bảo đảm ATTT thiết yếu do mình làm chủ công nghệ.

Cùng với đó, đại diện Cục ATTT cho rằng, phần lớn các sản phẩm đã hoàn thiện đang đưa vào sử dụng phổ biến được phát triển bằng nguồn lực của doanh nghiệp. Để một sản phẩm thành công cần tuân theo nguyên tắc thị trường. Do đó, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nội địa thông qua việc định hướng đầu ra của các sản phẩm, dịch vụ.

“ATTT là lĩnh vực chuyên sâu, yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cao, trong khi nguồn nhân lực cho  ATTT còn rất hạn chế. Phần lớn nguồn nhân lực ATTT có trình độ cao đang làm việc tại các doanh nghiệp. Cục ATTT cho rằng cần đẩy mạnh thuê giải pháp ATTT của các doanh nghiệp trong nước đối với khối cơ quan nhà nước cũng như để phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTT”, đại diện Cục ATTT nêu rõ.

(Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây