Chia sẻ với cộng đồng CNTT-TT,các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại hội nghị xúc tiến đầu tiên quốc tế ngành TT&TT Việt Nam (Vietnam ICT Investment Forum - VIF) 2017 diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, với sự hỗ trợ và quyết tâm của Chính phủ và các doanh nghiệp, nền CNTT của Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể, kể từ ngày đầu tiên Việt Nam hòa mạng Internet năm 1997, đến nay là 20 năm, Internet giờ đã đi sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và công việc.
Theo Bộ trưởng, nhìn về phương diện đầu tư, Việt Nam đầu tư vào CNTT so với các lĩnh vực công nghệ cơ bản khác không lớn nhưng hiệu quả và sự tác động nhanh chóng khiến CNTT là một trong những mục tiêu hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước.
“Tôi có quan sát và thấy các nhà đầu tư, các cộng đồng công nghệ, các tổ chức hỗ trợ startup đều quan tâm đến thị trường CNTT như là mục tiêu mũi nhọn. Đó là một điều đáng mừng thúc đẩy bản thân tôi cũng như các cán bộ của Bộ TT&TT đầu tư thời gian vào cùng hỗ trợ thúc đẩy và tháo gỡ các vướng mắc”, Bộ trưởng nói.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm thăm không gian trải nghiệm của VNG (Ảnh Ban tổ chức cung cấp) |
Nói về những lợi ích của việc đầu tư vào CNTT hiện nay, Bộ trưởng cho biết, có thể chỉ ra 3 điểm lợi ích rõ ràng. Trước hết, đó là lợi ích từ ưu đãi và quyết tâm của Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành, các địa phương. Các chính sách thuế ưu tiên, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, các giới luật luôn được cập nhật để theo cùng sự phát triển năng động của ngành. Có thể nói, sự phát triển Chính phủ điện tử và hạ tầng CNTT-Viễn thông là 2 ví dụ cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Lợi ích thứ hai của đầu tư vào CNTT, theo Bộ trưởng, là lợi ích từ nền kinh tế thị trường mở cửa. Việt Nam đang là mảnh đất hỗ trợ cái mới, thị trường đáp ứng với cái mới rất nhanh và mạnh. Khi có một thị trường mở và nhạy thì CNTT sẽ phát huy được các điểm mạnh của sự linh hoạt và luôn đổi mới của ngành.
Bộ trưởng chỉ rõ, lợi ích lớn thứ ba và cũng là cơ hội lớn cho ngành CNTT Việt Nam đó là: sự phát triển công nghệ nhanh, mạnh được ví như một cuộc cách mạng - Cách mạng công nghệ 4.0, bên cạnh đó là IoT, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy móc tự học hỏi đều dựa trên mũi nhọn là CNTT.
“Điều này chúng ta đã cùng bàn luận trên các chủ đề về cách mạng công nghệ, về thành phố thông minh. Tôi chỉ nhấn mạnh lại, nếu chúng ta đồng hành đầu tư và quyết tâm thực hiện thì thời cơ bây giờ là rất thuận lợi; nếu đủ tâm, đủ tầm và đủ quyết tâm thì các nhà đầu tư sẽ thành công lớn, đồng thời sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ phát triển và thu ngắn nhanh khoảng cách với các nước trên thế giới đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho hay, Bộ TT&TT đã và đang tập trung cụ thể hóa chiến lược phát triển công nghiệp CNTT trở thành ngành công nghiệp công nghệ số với các thế mạnh là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT với mức tăng trưởng mục tiêu đạt trung bình 15%/năm; để công nghiệp CNTT thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế số của Việt Nam trong hội nhập kinh tế toàn cầu, cũng như góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong thời đại số.
“Tôi cũng quan sát và nhìn thấy sự chuyển dịch đáng mừng của nguồn nhân lực chất lượng cao của các hãng công nghệ lớn về Việt Nam. Giờ đây không khó để tìm thấy những kỹ sư Việt đang thực hiện các dự án công nghệ lớn ở Úc, Singapore (cụ thể kỹ sư người Việt đang làm ở Google, Amazon, Cisco, Microsoft). Chúng ta sẽ có những ưu tiên khuyến khích hiền tài được đào tạo chuyên nghiệp đồng thời có chính sách hỗ trợ các tập đoàn công nghệ đầu tư nhân sự ở Việt Nam. Khi nhân sự tiếp thu được kiến thức, tôi tin họ sẽ là trụ cột cho việc thu hút đầu tư bên cạnh các chính sách hỗ trợ”, Bộ trưởng chia sẻ.
Trên cơ sở phân tích những lợi ích của việc đầu tư vào CNTT, Bộ trưởng đã thông tin với các đại biểu dự hội nghị VIF 2017 về một số nội dung quan trọng sẽ được Bộ tập trung triển khai trong thời gian tới để thúc đẩy việc hình thành nền kinh tế số và tận dụng tối đa các ưu thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Trong đó có thể kể đến, sẽ xúc tiến theo hướng tạo hệ sinh thái tương hỗ, kết nối nội lực của các đơn vị trong, ngoài nước và Chính phủ. Điều này, theo Bộ trưởng, chúng ta đã nhìn thấy trong các chương trình truyền thông chuyên đề về thành phố thông minh kết nối hay hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nhấn mạnh nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng và nắm bắt được cơ hội trong cuộc “chuyển đổi số”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Bộ TT&TT sẽ xúc tiến cùng Bộ GD&ĐT, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp CNTT xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nguồn nhân lực CNTT-TT thông qua việc phát triển nội lực cũng như kết hợp các hình thức đào tạo, chuyển giao công nghệ chuyên sâu từ các đối tác nước ngoài để bảo đảm chất lượng, chú trọng tăng nhanh tỉ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tham gia hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp CNTT với đơn vị hành chính sự nghiệp, tạo kênh hỗ trợ chính sách, trao đổi, chia sẻ thông tin. “Điều này bản thân tôi luôn mong muốn và trao đổi kết nối, và tôi cũng đang yêu cầu các cán bộ trực thuộc nỗ lực thực hiện”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ TT&TT cũng tạo điều kiện phát triển cho các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng băng rộng cáp quang, triển khai 4G, chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng kết nối cả về chất lượng lẫn tính đa dạng các dịch vụ viễn thông phục vụ cho phát triển CNTT và đảm bảo được tính truy nhập, tính công bằng kết nối hạ tầng cho các nhà đầu tư và thụ hưởng đầu tư.
Một điều quan trọng nhất nữa, theo lưu ý của Bộ trưởng, là tính an toàn đầu tư. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về CNTT-TT, trọng tâm là sửa đổi Luật CNTT.
“Tôi xin nhấn mạnh một nguồn lực đông đảo đang phát triển mạnh mẽ với nhiều kỳ vọng cũng sẽ là mục tiêu cần ưu tiên trong đầu tư, đó chính là các nhà khởi nghiệp (startup). Tôi tin các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này sẽ phát triển vượt bậc cả trong và ngoài nước, vì vậy các nhà đầu tư đừng ngần ngại với cơ hội này”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng cho rằng, sau các ưu tiên về phát triển CNTT trong nước, chúng ta sẽ song song chủ động hướng ra khu vực ASEAN và quốc tế. Bộ TT&TT sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước khu vực ASEAN, đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông để kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chính phủ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam khát vọng chinh phục và đầu tư ra nước ngoài. Ngoài việc có hiệu quả đầu tư thì chất lượng nhân sự được trải nghiệm ở nước ngoài sẽ mang lại cho chúng ta phát triển sâu về chất.
“Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, ngoài sự cố gắng từ phía Chính phủ và Bộ TT&TT, trên tinh thần cầu thị, hợp tác cùng phát triển, Bộ TT&TT rất mong muốn nhận được sự trao đổi, hỗ trợ, tư vấn cởi mở, thẳng thắn từ phía các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để có thể giúp Chính phủ, Bộ TT&TT triển khai được các chính sách, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển các lĩnh vực CNTT-TT.
Đặc biệt, tại hội nghị của chúng ta hôm nay, với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều chia sẻ về tầm nhìn, phương hướng phát triển, các đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
(Nguồn: ictnews.vn)