SharePoint

Truyền thông như công cụ để đào tạo người nông dân dùng CNTT

04/10/2017 11:25
(TTCNTT)- Bà Phạm Thị Hồng Mai, Phó Giám đốc Công ty Phát triển dịch vụ truyền thông IPC cho rằng, truyền thông như một công cụ đào tạo người nông dân dùng CNTT để tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hội thi “Nhà nông đua tài” toàn quốc lần thứ IV, năm 2017 vừa kết thúc với giải Nhất thuộc về Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh, giải Nhì thuộc về Hội nông dân Hải Phòng và giải Ba thuộc về Hội nông dân của Tuyên Quang và Tiền Giang.

Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ IV do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức triển khai rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố từ các cơ sở tới Trung ương, bắt đầu từ năm 2016. Vòng Chung kết toàn quốc hôm nay là kết quả của quá trình thi đấu thực sự và đầy nhiệt huyết từ ngày 01/8/2017 đến ngày 01/10/2017 của 63 đội thi, bao gồm 4 vòng thi Khu vực tại các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Khánh Hòa và TP.Cần Thơ; 1 vòng thi Bán kết và Chung kết tại Thủ đô Hà Nội. Đối tượng dự thi là hội viên nông dân của 63 tỉnh, thành phố.

Thông qua Hội thi, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam muốn vinh danh các đội thi xuất sắc đại diện cho hơn 10 triệu hội viên Hội Nông dân Việt Nam; kiến tạo thế hệ nông dân Việt Nam mới ứng dụng sâu rộng các kiến thức vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; xây dựng thành công gia đình nông dân văn hóa, hiện đại và phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Hệ thống giải thưởng bao gồm: Giải thưởng khu vực: 08 giải Nhất trị giá 80 triệu đồng; 08 giải Nhì trị giá 64 triệu đồng; 08 giải Ba trị giá 48 triệu đồng, các giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng, 16 giải Ấn tượng, mỗi giải trị giá 1 triệu đồng. Giải thưởng vòng chung kết: 01 giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, 01 giải nhì trị giá 70 triệu đồng, 02 giải Ba trị giá 100 triệu đồng, 4 giải Khuyến khích trị giá 120 triệu đồng.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi chia sẻ: “Hội thi đã thực sự trở thành sân chơi bổ ích, thiết thực để người nông dân có thể học hỏi kiến thức, giao lưu chia sẻ những ý tưởng hay, những kinh nghiệm thành công trong sản xuất nông nghiệp. Hội thi cũng tiếp tục khẳng định là kênh tuyên truyền sinh động và hiệu quả trong truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức khoa học, kỹ thuật, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến với đông đảo cán bộ, hội viên nông dân. Đặc biệt, từ Hội thi, những mô hình thành công của bà con nông dân sẽ được nhân rộng, lan tỏa, nhờ sự tham gia tích cực của báo chí truyền thông, từ đó hình thành sự kết hợp chặt chẽ của 5 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp – Nhà nông – Nhà báo để tạo nên diện mạo mới cho nền nông nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế”.

Đại diện đơn vị tham gia tổ chức Hội thi, Bà Phạm Thị Hồng Mai, Phó giám đốc Công ty Phát triển dịch vụ truyền thông IPC thuộc Tập đoàn VNPT chia sẻ: “Về công tác tổ chức, so với những lần tổ chức trước, Hội thi Nhà Nông đua tài lần thứ IV có hai điểm mới là phần thi “Ý tưởng Nhà nông” và “So tài Nhà nông”. Trong đó, Phần thi So tài Nhà Nông là phần thi ngoài trời, với các hoạt động được thiết kế mô phỏng các hoạt động sản xuất của nhà nông nhằm khuyến khích tình đoàn kết, tính làm việc tập thể, liên kết trong sản xuất, nâng cao thể chất và cung cấp thêm kiến thức cho bà con nông dân.  Phần thi “Ý tưởng Nhà nông” nhằm tạo ra một diễn đàn để người nông dân khắp mọi miền Tổ quốc thể hiện sự sáng tạo trong quá trình tìm tòi các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chia sẻ những ý tưởng đáng quý này tới đông đảo nông dân các vùng miền”.

Bà Mai cho biết thêm: “Về công tác truyền thông, chúng tôi đã thực hiện chiến dịch truyền thông mang tính chất lan tỏa từ Trung ương tới địa phương, kết hợp văn hóa vùng miền, được các nhà báo Trung ương và địa phương hết sức hỗ trợ để nói được tiếng nói của bà con nông dân trên cả nước, tạo sự tương tác đa chiều từ bà con nông dân tới Ban tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh những kênh truyền thống, chúng tôi sẽ triển khai những kênh truyền thông mới kết hợp với mạng xã hội để làm lan tỏa thông tin về Hội thi. Điều quan trọng mà Ban tổ chức đã làm được là sau Hội thi, mỗi thí sinh trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc tập hợp, vận động hội viên, nông dân thi đua lao động sản xuất, giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học-kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng truyền thông như một công cụ đào tạo người nông dân dùng CNTT để tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tránh bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới”.

(Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây