Phiên bản tiếng Việt của Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 - ấn phẩm cung cấp thông tin, số liệu thống kê chính thức về một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, vừa được Bộ TT&TT công bố phát hành. Dự kiến phiên bản tiếng Anh của tài liệu này sẽ được phát hành trong tháng 10/2017.
Được tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp CNTT, và các đơn vị trong Bộ TT&TT, các số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 phản ánh hiện trạng phát triển CNTT-TT trong 2 năm 2015 và 2016; riêng thông tin số liệu về các văn bản quy phạm pháp luật được cập nhật đến ngày 30/5/2017.
Trong đánh giá tổng quan về hiện trạng CNTT-TT Việt Nam năm 2016 được nêu tại Sách Trắng 2017, Bộ TT&TT nhận định, năm 2016 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh của các cuộc tấn công mạng, tiêu biểu là sự kiện website của Vietnam Airlines bị tấn công thay đổi giao diện vào ngày 29/7/2016.
|
Tỉ lệ tổ chức sử dụng công nghệ, biện pháp kỹ thuật để bảo vệ hệ thống mạng (phân chia theo các công nghệ, biện pháp kỹ thuật) năm 2016 (Nguồn: Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017) |
Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), sự cố tấn công mạng trong năm 2016 cao gấp 4 lần năm 2015. “Tuy nhiên, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng về vấn đề an toàn thông tin ngày càng được tăng cường, môi trường an toàn thông tin đã được cải thiện và người dùng đã chủ động hơn trong việc ứng phó với các sự cố an toàn thông tin”, Bộ TT&TT cho hay.
Số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 cũng đã cho thấy những cải thiện đáng kể trong nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Cụ thể, tỉ lệ tổ chức đã ban hành quy chế, quy định về an toàn thông tin áp dụng cho hoạt động nội bộ đã tăng từ 43,9% năm 2015 lên đạt 65,8% trong năm 2016. So với năm 2015, tỉ lệ tổ chức đã ban hành quy trình thao tác chuẩn để phản hồi lại các sự cố mất an toàn thông tin trong năm 2016 đã tăng thêm 12%, từ 37% lên 49%.
|
Thị phần dịch vụ chứng thư số công cộng Việt Nam năm 2016 (Nguồn: Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017). |
Năm 2016, các công nghệ, biện pháp kỹ thuật để bảo vệ hệ thống mạng được các tổ chức sử dụng gồm có: phần mềm chống virus mức mạng (69,4% tổ chức sử dụng); tường lửa (63,9%); kiểm soát truy cập (49,4%); lọc nội dung web (48,7%); bộ lọc chống thư rác (45,4%); hệ thống phát hiện xâm nhập trong mạng (42,2%); hệ thống phòng chống tấn công DoS/DDoS (39,7%); bảo mật mạng không dây (32,9%); hệ thống quản lý sự kiện an toàn thông tin (19,1%).
Cùng với đó, tỉ lệ tổ chức có khả năng ghi nhận các hành vi tấn công mạng (kể cả chưa thành công) vào hệ thống thông tin của tổ chức đã tăng từ mức 46% của năm 2015 lên đạt 62% trong năm 2016. Tỉ lệ tổ chức sử dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử năm 2016 là 54%, tăng 8% so với năm 2015. Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến cuối năm 2016 là 800.171 chứng thư số, tăng 66.325 chứng thư số (tương đương khoảng 9%) so với năm 2015.
Về thị phần dịch vụ chứng thư số công cộng, trong số 8 doanh nghiệp triển khai kinh doanh dịch vụ này, năm 2016 thị phần của BKAV-CA vẫn lớn nhất, chiếm 29,9%; tiếp đó là FPT-CA, chiếm 27,4%; SMARTSIGN chiếm 18,4%; SAFE-CA chiếm 9,6%; NEWTEL-CA chiếm 6,1%; NACENCOMM chiếm 4,8%; VIETTEL-CA chiếm 2,2%; và VNPT-CA chiếm 1,6%.
Cũng theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017, tỉ lệ tổ chức có đơn vị/bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin năm 2016 là 65,6%, tăng 34,9% so với năm 2015. Năm 2016, hơn 65% tổ chức có cán bộ chuyên trách về CNTT, tăng gần 19% so với năm 2015.
Số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 cũng chỉ ra rằng năm 2016 tỉ lệ tổ chức có kế hoạch đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin là 63,6%, tăng 22,8% so với năm 2015. Tỉ lệ tổ chức định kỳ tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người sử dụng về an toàn thông tin đã tăng từ 48,1% trong năm 2015 lên 66,2% vào năm 2016.
(Nguồn: ictnews.vn)