SharePoint
Liên kết web
 
 

Hạ tầng công nghệ thông tin và những tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

18/09/2017 14:46
(TTCNTT) - Hoạt động của doanh nghiệp hiện nay chịu sự tác động không nhỏ của công nghệ thông tin, trong đó cơ sở hạ tầng thông tin là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến công tác quản trị cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bài viết phân tích tác động của hạ tầng công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Tình hình phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp

Có thể nói, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các doang nghiệp (DN) Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Minh chứng là, chỉ số cơ sở hạ tầng (CSHT) thông tin bình quân chung đạt mức 28,7 điểm. Tình hình ứng dụng phần mềm trong các DN đang ở mức rất thấp, (bình quân chung ở mức 9,74 trên thang điểm 100).

Trong đó, chỉ số bình quân của nhóm DN thuộc phân vị 1, tức nhóm 20% số DN có chỉ số CSHT thông tin DN thấp nhất trong mẫu, thấp hơn rất nhiều so với nhóm còn lại. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chỉ số phần mềm lại nhỏ nhất ở phân vị 3, tức nhóm 20% số DN có chỉ số CSHT thông tin DN ở mức trung bình trong mẫu (Bảng 1).

Tình hình ứng dụng hạ tầng CNTT cũng rất khác biệt giữa các ngành nghề kinh doanh. Trong đó, ứng dụng CNTT ở mức rất thấp đối với các DN hoạt động trong ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Ứng dụng CNTT của nhóm DN hoạt động trong ngành Thông tin và truyền thông cao hơn so với các ngành khác. Nổi bật nhất là chỉ số CSHT thông tin DN của ngành Thông tin và Truyền thông là 36,07 điểm và chỉ số phần cứng của ngành này là 93,04 điểm (Bảng 2).

Ứng dụng CNTT cũng thay đổi theo quy mô hoạt động của DN. Chỉ số CSHT thông tin tăng dần theo quy mô hoạt động của DN và đạt mức cao nhất trong nhóm DN có quy mô từ 500 đến dưới 1.000 lao động (đạt 38,35 điểm). Tuy nhiên, tốc độ tăng có xu hướng giảm dần và giảm mạnh ở nhóm DN có quy mô trên 1.000 lao động. Kết quả này cho thấy, tồn tại một ngưỡng tối ưu mà tại đó ứng dụng CNTT là tốt nhất (Bảng 3). 

Nhóm DN trong khối FDI có mức độ ứng dụng CNTT cao hơn so với các khu vực khác. Dẫn chứng là, chỉ số CSHT của DN FDI là 37,79 điểm. Nhóm DN thuộc khối tư nhân trong nước có mức độ ứng dụng CNTT cao hơn so với nhóm DN nhà nước và nhóm hợp tác xã (Bảng 4).

Bên cạnh đó, tình hình ứng dụng CNTT trong DN có sự khác biệt giữa các vùng, cao nhất là vùng Đông Nam Bộ và thấp nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Bảng 5). Tình hình ứng dụng phần mềm và các giải pháp CNTT trong kinh doanh rất thấp tại các DN trong các vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tác động của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Kết quả ước lượng tác động của CSHT và ứng dụng CNTT đến hiệu quả hoạt động của các DN Việt Nam cho thấy, tổng hai hệ số co giãn của vốn và lao động cho biết hàm sản xuất lớn hơn 1, tức là doanh thu của DN tăng hơn 1 lần nếu tăng các yếu tố đầu vào (lao động, vốn) lên một lần. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam có thể phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để tận dụng lợi thế nhờ quy mô.

Mặt khác, kết quả ước lượng cho thấy, hệ số co giãn của đầu vào vốn cao hơn nhiều so với đầu vào lao động. Cụ thể, hệ số co giãn của doanh thu tương ứng đối với các yếu tố đầu vào vốn và lao động là 0,908 và 0,240.

Với tỷ lệ hệ số co giãn này cho thấy, cứ 1% gia tăng trong đầu vào vốn có thể gia tăng doanh thu bình quân của DN khoảng 0,9%. Trong khi đó, doanh thu bình quân của DN chỉ tăng khoảng 0,24% khi đầu vào lao động tăng thêm 1%. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tận dùng đầu vào lao động sẵn có của DN.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, quyền sở hữu DN có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của DN. DN thuộc sở hữu nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn so với DN sở hữu bởi khu vự tư nhân trong nước. Cùng với đó, khu vực DN thuộc sở hữu tư nhân hiệu quả hơn nhiều so với khu vực DN thuộc sở hữu nhà nước.  

Hệ số ước lượng của tỷ lệ vốn trên lao động (K/L) mang dấu dương và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%, tức là gia tăng mức trang bị vốn bình quân cho một công nhân sẽ làm gia tăng sự phi hiệu quả. Thông thường thì một ngành có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn sẽ có mức hiệu quả sản xuất lớn hơn, do sức ép phải tìm kiếm cách thức sản xuất đủ bù đắp những chi tiêu tốn kém về vốn, hoặc do sử dụng công nghệ tốt hơn…

Việc phát triển CSHT, triển khai và ứng dụng nền tảng CNTT trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản trị nguồn lực thông tin DN. Nhờ đó giúp nâng cao hiệu quả kỹ thuật và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chung của các DN.

Để kiểm định lại giả thuyết trên, thay vì sử dụng một nhóm biến số đại diện cho CSHT và ứng dụng CNTT của DN, tác giả đưa ra chỉ số CSHT và ứng dụng CNTT của DN để đo lường tác động biên tổng thể. Chỉ số này được tính toán từ 4 hợp phần chính gồm: Phần cứng, phần mềm, dữ liệu và viễn thông.

Các hợp phần này được đưa vào mô hình phân tích với kỳ vọng làm giảm thiểu sự phi hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (lnsig2u). Hệ số ước lượng của chỉ số này được kỳ vọng mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê. Bên cạnh đó, các biến giả quy mô DN cũng được sử dụng để kiểm soát biến động trong mô hình phương sai (lnsig2v).

Có thể thấy, độ co giãn của doanh thu đối với đầu vào lao động giảm khi chỉ số CSHT và ứng dụng CNTT của DN được kiểm soát trong mô hình. Cụ thể, hệ số co giãn của đầu vào lao động giảm từ 0,249 xuống mức 0,240 trong khi của đầu vào vốn ở mức 0,908.

Tương tự, các yếu tố công nghệ ngoài các biến số được kiểm soát trong mô hình ảnh hưởng đến sự phi hiệu quả kỹ thuật cũng giảm về giá trị tuyệt đối, từ mức 1,033 xuống mức 0,950. Trong khi đó, yếu tố năng suất nhân tố (TFP) tăng đáng kể từ mức 1,244 lên 1,276. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, việc cải thiện 10 điểm trong chỉ số này có thể gia tăng doanh thu của DN khoảng 8%.

Những kết quả trên cho thấy, thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp, việc phát triển CSHT và ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả quản trị nguồn lực thông tin DN và qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn DN.

Tác động lẫn nhau trong phát triển cơ sở hạ tầng thông tin DN

Kết quả ước lượng ảnh hưởng tương tác của các thành phần CSHT và ứng dụng CNTT trong các DN ở Việt Nam sau khi làm vững phương sai (Bảng 6). Tất cả các hệ số ước lượng thu được có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% ghi nhận ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa các thành phần này. 

Việc triển khai ứng dụng phần mềm kéo theo sự phát triển của phần cứng trong khi làm giảm dữ liệu và viễn thông. Kết quả ước lượng cho biết, 1 điểm gia tăng trong chỉ số phần mềm kéo theo 0,034 điểm gia tăng trong chỉ số phần cứng trong khi kéo giảm chỉ số viễn thông 0,137 điểm và 0,226 điểm chỉ số dữ liệu.

Hơn nữa, việc phát triển phần cứng sẽ thúc đẩy các DN cải thiện cơ sở dữ liệu và ứng dụng phần mềm trong khi làm giảm viễn thông. Kết quả ước lượng ghi nhận 1 điểm gia tăng trong chỉ số phần cứng thúc đẩy chỉ số dữ liệu tăng tới 0,392 điểm và chỉ số phần mềm tăng 0,048 điểm trong khi chỉ số viễn thông giảm tới 0,644 điểm.

Từ những kết quả trên cho thấy, thay vì sử dụng nhiều phần mềm và nâng cấp phần cứng, trên thực tế các DN có thể sử dụng hiệu quả viễn thông. Kết quả ước lượng cho biết, 1 điểm gia tăng trong chỉ số viễn thông sẽ thúc đẩy chỉ số dữ liệu tăng 0,118 điểm trong khi làm giảm chỉ số phần mềm và chỉ số phần cứng lần lượt là 0,132 điểm và 0,434 điểm.

Việc nâng cấp cơ sở dữ liệu trong DN có thể hạn chế việc sử dụng nhiều loại phần mềm trong khi sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển phần cứng và viễn thông. Cụ thể, kết quả ước lượng cho biết, 1 điểm gia tăng trong chỉ số cơ sở dữ liệu sẽ thúc đẩy chỉ số phần cứng tăng 0,120 điểm và chỉ số viễn thông tăng 0,053 điểm trong khi làm giảm chỉ số phần mềm 0,098 điểm.

Tác động của các yếu tố đến phát triển hạ tầng thông tin doanh nghiệp

Phát triển CSHT và ứng dụng CNTT trong DN tăng dần theo số năm hoạt động của DN. Kết quả ước lượng cho thấy, hệ số ước lượng của biến số năm hoạt động của DN trên thị trường mang dấu dương trong khi biến bình phương của nó mang dấu âm và cả hai hệ số ước lượng này đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%.

Tương tự, phát triển CSHT và ứng dụng CNTT của DN tăng dần theo quy mô của nó. Kết quả ước lượng cho thấy, hệ số ước lượng của các biến giả quy mô DN mang dấu dương, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 10% và tăng dần theo quy mô của nó. Tốc độ giảm dần và giảm mạnh đối với nhóm DN có quy mô trên 1.000 lao động.

Quyền sở hữu DN cũng có ảnh hưởng lớn đến phát triển triển CSHT và ứng dụng CNTT trong DN. Các DN sở hữu tư nhân có xu hướng phát triển CSHT và áp dụng CNTT cao hơn so với các DN sở hữu nhà nước. Cụ thể, các DN sở hữu bởi tư nhân trong nước và nước ngoài có hệ số ước lượng cao hơn nhiều so với các DN sở hữu nhà nước.

Kết quả ước lượng cũng cho thấy, phát triển CSHT và ứng dụng CNTT trong DN có sự khác biệt giữa các ngành. DN hoạt động trong các ngành Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và ngành thông tin và truyền thông có mức độ phát triển CSHT và ứng dụng CNTT cao hơn so với các DN hoạt động trong các ngành khác.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển CSHT và ứng dụng CNTT trong DN cũng đã được cải thiện theo thời gian. Hệ số ước lượng của biến giả thời gian mang dấu dương và độ lớn tăng dần từ năm 2010 đến năm 2012 ở mức ý nghĩa 1%.

Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy, các hợp phần CNTT có tác động qua lại lẫn nhau. Cho nên, DN có thể lựa chọn phát triển đồng thời 4 trụ cột của CSHT CNTT gồm: Phần cứng, phần mềm, dữ liệu và viễn thông. Cụ thể, chiến lược tập trung vào việc triển khai ứng dụng phần mềm kéo theo sự phát triển của phần cứng trong khi giảm dữ liệu và viễn thông.

Chiến lược phát triển phần cứng sẽ thúc đẩy các DN thực hiện cải thiện cơ sở dữ liệu và ứng dụng phần mềm trong khi làm giảm viễn thông. Việc cải thiện hiệu quả viễn thông sẽ thúc đẩy DN cải thiện cơ sở dữ liệu trong khi hạn chế  sử dụng phần mềm và phần cứng.   

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Điều tra DN (GES) thực hiện bởi Tổng cục Thống kê (GSO) trong giai đoạn 2009–2012;

2. C.L. Ang, M.A. Davies, & P.N. Finlay, “An empirical model of IT usage in the Malaysian public sector,” Journal of Strategic Information Systems, 10, 2001, 159-174;

3. J.Y.L. Thong, W. Hong and K.Y. Tam, “What leads to user acceptance of digital library,” Communication of the ACM, 47(11), 2004, 79-83;

4. V. Grover and M. D. Goslar, “The initiation, adoption and implementation of telecommunication technologies in U.S. organizations,” Journal of Management Information Systems, 10(1), 1993, 141–163.

 (Nguồn: http://tapchitaichinh.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây