(TTCNTT)- Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng khuyến khích thuê dịch vụ CNTT về trang thiết bị, hạ tầng, trung tâm dữ liệu... trong giai đoạn từ nay đến 2020.
Trong quá trình hoàn thiện Chính phủ điện tử theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) ban hành, Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tỉnh muốn khuyến khích hình thức thuê dịch vụ CNTT.
Theo đó sau khi Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của tỉnh được thành lập vào tháng 5/2017 vừa qua, Ban chỉ đạo đã đưa ra định hướng sẽ thuê dịch vụ CNTT chủ yếu về trang thiết bị, thuê hạ tầng trung tâm dữ liệu (data center). Ngoài ra Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẵn sàng thuê phần mềm dùng chung, ví dụ phần mềm văn phòng điện tử được dùng từ năm 2010 đến nay có phần hạn chế nên nếu có phần mềm mới thì tỉnh cũng sẽ ưu tiên thuê dịch vụ đó.
Đại diện Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ thực tế rằng trong giai đoạn từ trước đến nay thì việc thuê dịch vụ CNTT rất ít. Bà Rịa - Vũng Tàu trước nay chủ yếu dừng lại ở thuê đường truyền, ví dụ như trường hợp của Sở Y tế.
|
Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng khuyến khích thuê dịch vụ CNTT về trang thiết bị, hạ tầng, trung tâm dữ liệu... trong giai đoạn từ nay đến 2020 (ảnh minh họa) |
Theo ý kiến của Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuê dịch vụ CNTT chưa thể triển khai mạnh vì hiện tại chỉ có văn bản duy nhất là Quyết định 80/2014/QĐ-TTg Quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. "Quyết định 80 thì chưa được rõ về chuyện thuê mặt hàng gì, cấu hình như thế nào, giá cả ra sao. Hơn nữa thuê một thiết bị đã dùng rồi với thuê thiết bị mới khác nhau, nhưng trong Quyết định 80 lại đánh đồng. Vì thế cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa" - Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị.
Ý kiến trên thực ra đã được nêu ra khá nhiều trong 2 năm qua. Trao đổi với ICTnews hồi đầu năm 2015, ông Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở TT&TT thành phố Hải Phòng khi đó cho biết: "Dù Chính phủ đã có Quyết định 80 nhưng chưa có quy định cụ thể về cách tính giá thuê dịch vụ CNTT cũng như những vấn đề liên quan khác nên đến giờ, chúng tôi vẫn lúng túng không làm được. Cần phải có các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để có thể tính toán được xem thuê phần cứng, phần mềm thế nào, giá cả ra sao... thì mới có thể triển khai được việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước".
Tương tự, ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa khi đó cũng chia sẻ: "Do chưa có quy định rõ ràng và hướng dẫn cụ thể nên chưa thể triển khai được việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước ở địa phương. Hiện Sở TT&TT mới khảo sát nhu cầu thuê dịch vụ CNTT của các cơ quan Nhà nước và đang lập kế hoạch để làm thí điểm. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT tìm đến giới thiệu các giải pháp, dịch vụ, nhưng việc lựa chọn giải pháp chỉ là bước sau, còn trước mắt phải có kế hoạch triển khai và các quy chế, quy định đi kèm".
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Bkav nhận xét: "Vì chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thuê dịch vụ CNTT nên các cơ quan Nhà nước vẫn chưa dám triển khai. Bản thân Bkav cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng cho thuê dịch vụ nhưng vẫn phải đợi hướng dẫn cụ thể hơn nữa".
Trong thời gian qua Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT cũng đã có một số công văn gửi các đơn vị là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thu thập ý kiến đánh giá, phản hồi và xac định nhu cầu về thuê dịch vụ CNTT, nhưng đến nay chưa có thêm văn bản hướng dẫn về chủ trương này và tất cả vẫn đang trong quá trình bàn thảo.
Mặt khác liên quan đến thuê dịch vụ CNTT, trước những ý kiến phản ánh khó khăn dành nguồn kinh phí cho thuê dịch vụ CNTT, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà từng gợi ý rằng không nên quá quan trọng hóa thuê dịch vụ CNTT để rồi cứ đòi cơ chế đặc biệt. Theo đó các đơn vị có thể dùng chi phí thường xuyên cho dịch vụ CNTT như dịch vụ bình thường...
(Nguồn: ictnews.vn)