Sáng 12/9, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức buổi Tọa đàm về triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin. Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, đại diện Cục Viễn thông, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội), Viện CNTT (Bộ Quốc phòng), lãnh đạo nhiều trường đại học cùng đại diện của nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Buổi tọa đàm tập trung thảo luận về các thuận lợi, khó khăn, bất cập trong việc triển khai chuẩn kỹ năng CNTT. Bên cạnh đó là phần chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế và đề xuất những phương án triển khai phù hợp để khắc phục các bất cập, góp phần đưa chuẩn kỹ năng CNTT áp dụng vào thực tế tốt hơn.
Buổi tọa đàm về chuẩn kỹ năng CNTT vừa được tổ chức bởi Bộ Thông tin & Truyền thông.
Ảnh: Trọng Đạt
Bất cập về chứng chỉ kỹ năng CNTT
Tại buổi tọa đàm, đại diện nhiều đơn vị, cơ quan đã chia sẻ những khó khăn mà mình gặp phải trong việc triển khai thông tư số 03/2014/TT-BTTTT về chứng chỉ theo chuẩn kỹ năng CNTT. Bên cạnh đó là thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT về Quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Trường Đại học Bộ Nội vụ, đơn vị này gặp phải hai vấn đề trong việc thực hiện các thông tư nói trên.
Đầu tiên là hạn chế về mặt cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu của thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT. Vấn đề thứ hai nằm ở đối tượng học. Với một số đối tượng đặc thù về mặt chuyên môn như các bác sỹ, do không có nhu cầu sử dụng các công cụ office như Word hay Excel, việc hoàn thiện các chứng chỉ theo chuẩn kỹ năng CNTT chỉ là hình thức.
Theo một số đơn vị khác, cơ quan quản lý cũng cần phải có sự công nhận chung và một phôi chứng chỉ chung về chuẩn kỹ năng CNTT. Tránh trường hợp mỗi đơn vị có một phôi chứng chỉ khác nhau. Mặc dù người học có chứng chỉ ở trung tâm này nhưng đến một địa phương khác lại không được công nhận. Điều này dẫn đến khó khăn cho người học và sự chồng chéo đối với các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, một vấn đề bất cập khác là nhiều thạc sỹ có bằng cấp chuyên môn sâu về CNTT nhưng vẫn bị yêu cầu phải có chứng chỉ về chuẩn kỹ năng CNTT theo đúng như quy định. Điều này vô tình gây ra một sự lãng phí không cần thiết.
Ông Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Ảnh: Trọng Đạt
Tiêu chuẩn kỹ năng CNTT chưa đồng nhất
Có một thực tế khác là do chưa có sự thống nhất, chất lượng các bộ câu hỏi trong việc sát hạch và cấp chứng chỉ theo chuẩn kỹ năng CNTT không giống nhau. Một số địa phương đồng bằng thi rất khó vì có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thí sinh. Còn ở các địa phương miền núi, đề thi thường phải rất dễ nếu không sẽ xuất hiện tình trạng trượt hết.
Chính vì lẽ đó, nhiều đơn vị kiến nghị lên Bộ TT&TT về việc cần ban hành một bộ ngân hàng đề thi và chính sách chung để các đơn vị, cơ sở đào tạo có thể theo đó mà áp dụng.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, tất cả những rắc rối trên đều có thể giải quyết bằng vấn đề công nghệ. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các tiêu chuẩn trong việc hình thành một công dân online trong thời đại số, đó là việc sử dụng thành thạo các công cụ thanh toán điện tử, mạng xã hội… bên cạnh việc chỉ đơn thuần sử dụng được Word và Excel.
Cần hình thành chuẩn của một công dân toàn cầu
Trước ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ TT&TT rất cảm ơn và ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp liên quan đến việc hoàn chỉnh chuẩn kỹ năng CNTT.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi tọa đàm
Ảnh: Trọng Đạt
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, chúng ta không thể thỏa mãn với những gì chúng ta đang làm. Chúng ta cần phải hướng tới việc xây dựng chuẩn của một công dân quốc tế. Chuẩn này đòi hỏi phải có các kỹ năng cơ bản về CNTT.
"Chúng ta nên xem xét đưa chuẩn kỹ năng CNTT vào trong chương trình giáo dục phổ thông. Những tiêu chuẩn nâng cao hơn sẽ được dạy trong các trường đại học. Có vậy mới có thể tạo ra nguồn nhân lực hướng đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4", Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.
"Điều này một mình Bộ TT&TT không thể làm được. Cần phải có sự liên thông giữa các Bộ để cùng công nhận lẫn nhau, tránh hiện tượng chồng chéo. Hơn lúc nào hết, phải huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Bộ TT&TT cũng nhất trí việc xây dựng một ngân hàng đề thi chuẩn kỹ năng CNTT mang tính quốc gia. Bên cạnh đó, cần tách bạch vấn đề đào tạo và sát hạch."
(Nguồn: vietnamnet.vn/vn)