(TTCNTT)- Các chuyên gia công nghệ thông tin cho hay, về lý thuyết, có thể xử lý các trang mạng có nội dung xấu, độc hại.
Có nhiều cách khác nhau để chặn thông tin xấu, độc hại
Đó là hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội để cùng xử lý các tài khoản, trang thông tin, các thông tin "có vấn đề": cách này đòi hỏi phải liên kết rất chặt chẽ với nhà cung cấp dịch vụ, yêu cầu một sự bắt tay tích cực.
Một cách khác là dùng các thuật toán, phương pháp AI (trí tuệ nhân tạo) để lọc nội dung, không cho hiển thị các nội dung "có vấn đề": cách này đòi hỏi một năng lực công nghệ rất cao, cả về thuật toán, phần mềm, hạ tầng...
Cũng có một cách là xây dựng mạng xã hội riêng, chặn hết 100% các mạng xã hội không chịu hợp tác. Một số nước đang áp dụng cách này và đạt được một số hiệu quả nhất định.
Hình minh họa: Dangcongsan.vn.
Theo chuyên gia, mỗi cách thức ở trên đều có những điểm lợi/hại khác nhau. Chọn cách nào hay phối kết hợp nhiều phương án, ở nhiều mức độ... đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, với sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia và toàn xã hội nói chung.
“Tôi cho rằng, hành lang pháp lý để ngăn chặn thông tin xấu, độc hại đã khá đầy đủ. Việc ra đời của Luật An toàn thông tin mạng cũng là một bước tiến nhằm thể chế hóa toàn bộ các quy định, nâng tầm lên một mức độ mới, với nhiều yêu cầu, đòi hỏi, qui tắc... rõ ràng hơn. Mặc dù vậy, bản thân với tư cách là một người làm kỹ thuật, tôi vẫn quan tâm nhiều đến những giải pháp mang tính kỹ thuật hơn” – vị chuyên gia chia sẻ.
Phải kịp thời định hướng dư luận
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho hay, khi phát hiện các thông tin sai sự thật, nếu vi phạm pháp luật nhà nước thì chúng ta cung cấp lại thông tin và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các thông tin sai trái, bịa đặt.
“Nếu nhà cung cấp dịch vụ xác nhận đúng là vi phạm pháp luật của quốc gia đó, họ sẽ tự thực hiện gỡ bỏ các thông tin sai sự thật. Việc này Bộ TT&TT đã triển khai bằng việc yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam đăng tải trên mạng xã hội”- Chuyên gia cho hay.
Ngoài ra, một số quốc gia trên thế giới, ngoài việc yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật, họ cũng phải tổ chức các dư luận viên để tuyên truyền, đấu tranh chống lại các phần tử xấu.
“Việc này nhằm định hướng lại dư luận trước các thông tin trái chiều, cung cấp thông tin chính thống để thực hiện việc truyền thông, định hướng dư luận trước các thông tin trái chiều, cần phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật” – Chuyên gia cho biết.
Cụ thể, các quốc gia đó xây dựng hệ thống giám sát, phát hiện các thông tin, chủ đề nhạy cảm trên Internet một cách nhanh nhất và xây dựng hệ thống dư luận viên tự động, thực chất là xây dựng các bot trên mạng, thực hiện tìm kiếm và tự động đăng tải các thông tin để làm loãng các chủ đề nóng, các thông tin sai sự thật hoặc cung cấp nội dung thông tin nhằm thay thế các bài viết xấu, thay đổi kết quả tìm kiếm của người dùng nhằm hạn chế người dùng tiếp cận các thông tin xấu.
Ngoài ra, Viettel cũng tổ chức bộ phận hỗ trợ và chăm sóc khách hàng 24/7 để giải thích, làm rõ và cung cấp thông tin chính xác tới người sử dụng dịch vụ, hỗ trợ người dùng một cách nhanh nhất khi cần./.
(Nguồn: toquoc.vn)