SharePoint
Liên kết web
 
 

CEO DTT: Hãy kiến tạo ra nền kinh tế số bằng câu chuyện về dữ liệu công

20/08/2017 14:35
(TTCNTT) - Nếu có thể đưa ra quy hoạch sử dụng dữ liệu của chính phủ, sẽ tạo ra vô số các mô hình kinh doanh mới, các ứng dụng tạo ra giá trị mới mà không cần đến nguồn chi ngân sách.

Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT

Đây là một trong những ý kiến được ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT đưa ra khi bàn về sự phù hợp của hệ thống các văn bản pháp lý, cơ chế chính sách hiện tại với sự phát triển của lĩnh vực CNTT trong khuôn khổ buổi tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới" vừa được Bộ TT&TT tổ chức.

Hiện nay, do toàn xã hội chuyển sang một giai đoạn phát triển mới nên có tình trạng văn bản pháp lý, chính sách về CNTT chưa đồng bộ và thiếu hiệu quả, có thể nhìn thấy qua kết quả hạn chế của việc thực thi.

Một trong những lý do là đơn vị quản lý CNTT phải chuyển theo các mô hình mới của nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ hay cách mạng công nghiệp 4.0 từ quá trình tin học hóa. Chính vì thế, những vấn đề căn bản của nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ hay cách mạng công nghiệp 4.0 đang gặp khó khăn, bao gồm: quyền số (Digital rights), tài sản số (Digital assets), chính sách chia sẻ dữ liệu và dữ liệu mở, kiến trúc tham chiếu của hệ thống số thực ( Cyber physical system), giá trị của chuyên gia đặc biệt là những chuyên gia có thể tạo ra các cỗ máy thông minh, cơ chế thông minh

Theo ông Nguyễn Thế Trung, hiện chúng ta chuyển sang giai đoạn mới là nền kinh tế số, nền công nghiệp lần thứ 4 trong đó có nội hàm quan trọng nhất là một nền kinh tế mới với tài sản mới là tài sản số. Tài sản mới này đi kèm toàn bộ luật lệ chính sách mới để xác định rằng thế nào là tài sản số và ai được sở hữu tài sản số này? Điều này cũng kiến tạo ra các giai đoạn mới của nền kinh tế số. Ông Nguyễn Thế Trung cho biết “nếu không có khái niệm tài sản số chúng ta sẽ không làm được gì cả”.

Cũng đề cập đến vấn đề dữ liệu mở cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho biết tại Việt Nam hiện có rất nhiều cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu công dân, cơ sở dữ liệu thông tin nhân khẩu, bản đồ địa lý, đánh giá tín dụng cá nhân,…nhưng hầu hết các dữ liệu này được sử dụng riêng và “chẳng ai mở ra cho ai dùng”. Ông Bình cho rằng, nếu không có nguyên liệu như vậy thì sẽ không bao giờ có sáng tạo.

Tuy nhiên, ngoài tầm quan trọng của dữ liệu với doanh nghiệp trong giai đoạn mới thì việc có những giải pháp quản lý, quy hoạch dữ liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước lại cần được đẩy mạnh hơn nữa.

“Một môi trường mới trong đó có rất nhiều tài sản số thì việc giao tài sản này cho ai? Ai là người có quyền sử dụng nó sẽ là một vấn đề rất lớn mà Luật CNTT phải thay đổi, phải vượt lên các vấn đề về công nghệ và viễn thông đã từng có”, ông Nguyễn Thế Trung cho biết.

Sự đầu tư của Chính phủ là vô cùng hấp dẫn nhưng với các doanh nghiệp CNTT trong giai đoạn hiện nay lại chưa chắc đã quan trọng bằng các dữ liệu. Ông Trung chia sẻ: “nếu Chính phủ quy định rõ các dữ liệu của mình. Dữ liệu nào là mật, dữ liệu nào có thể công bố thì doanh nghiệp, thậm chí là người dân có thể khai thác và tạo ra rất nhiều lợi ích khác cho đất nước”.

Một ví dụ được đưa ra trong lĩnh vực du lịch thông minh, các doanh nghiệp có dữ liệu về du lịch thì có năng suất tăng gấp 3 lần các doanh nghiệp khác kể cả sử dụng nền tảng công nghệ. Trong các lĩnh vực khác cũng vậy. Nếu chúng ta tính đến sự thay đổi trong các giai đoạn tiếp theo thì cần đi đầu trong việc này.

Trong giai đoạn số, doanh nghiệp rất cần các cơ quan nhà nước công khai minh bạch chính sách và triển khai các chính sách này. “Việc công khai thông tin là để có thể nhìn thấy các bất cập. Nếu cứ để mờ ảo thế này thì chúng ta có thể đánh mất thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Dù là chúng ta có bao nhiêu Nghị quyết, chính sách đi nữa thì cũng quay về mua sản phẩm của họ”. Do đó, trong quản lý nhà nước cần minh bạch các chỉ số. Các cơ quan quản lý cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể, các chỉ số và các doanh nghiệp Việt Nam có thể theo dõi. Đồng thời, phải có chính sách bảo vệ cho doanh nghiệp Việt Nam, nhân rộng các mô hình thành công.

"Việc Bộ TT&TT có thể làm tốt hơn nữa là kiến tạo ra kinh tế số cho dân CNTT bằng câu chuyện về dữ liệu công. Hiện nay có xu hướng chính quyền số dữ liệu mở. Có thể đưa ra quy hoạch sử dụng dữ liệu của chính phủ. Nếu làm được điều đó nó sẽ tạo ra vô số các mô hình kinh doanh mới, các ứng dụng tạo ra giá trị mới mà không cần đến nguồn chi ngân sách. Bộ TT&TT nên dẫn đầu về việc đo đạc, kiểm tra dữ liệu về số hóa. Sau đó có những quy định, quy hoạch để các doanh nghiệp, cá nhân có thể sử dụng, khai thác nguồn dữ liệu này trong giai đoạn tới", ông Trung cho biết thêm.

(Nguồn: ictnews.vn)

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây