SharePoint
Liên kết web
 
 

Dự luật An ninh mạng sửa quy định đặt máy chủ ở Việt Nam

11/01/2018 15:46
(TTCNTT) - Doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.

Chiều 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng. Theo khoản 4 điều 27 của dự thảo, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam...

"Điểm c khoản 4 điều 27 đã được sửa lại. Trước đây quy định đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng có ý kiến nói rằng máy chủ còn hoạt động nhiều thứ, vì vậy dự luật không quan tâm đến máy chủ nữa mà chỉ quan tâm đến dữ liệu. Các nhà khoa học cũng đã hội thảo và đi đến kết luận đây là bản chất của vấn đề", Thượng tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông tin.

Kiểm soát thông tin từ Việt Nam

Theo Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, trong nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã có yêu cầu đặt máy chủ, tuy nhiên "chuyện này chưa thành tiền lệ trên thế giới nên còn tranh cãi".

Ông Hưng cho rằng: "Thời buổi an ninh, an toàn thông tin mạng như hiện nay, phải lưu trữ thông tin trong thời gian nhất định để khi có vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra trích xuất dữ liệu để xử lý".

Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cũng đồng tình với Bộ Công an về nguyên tắc kiểm soát thông tin từ Việt Nam. Theo vị này, nếu ai đó tung thông tin từ Việt Nam nhưng máy chủ đặt ở nước ngoài sẽ khó kiểm soát. "Về nguyên lý, thông tin từ Việt Nam đi ra mình phải kiểm soát. Còn nếu đặt ở nước ngoài thì rất khó", ông nói.

Thiếu tướng Đinh Thế Cường - Cục trưởng Cục công nghệ Thông tin (Bộ Quốc phòng) phân tích, về kỹ thuật, thông tin đi vào hay đi ra một quốc gia đều có thể sao lưu, ghi lại. Việt Nam cần thông tin quốc tế vào và cũng cần chuyển tải thông tin chính thống ra nước ngoài. Tuy nhiên, để tránh tình trạng vi phạm an ninh thì cơ quan chức năng cần có chứng cứ để điều tra, kiểm soát khi cần thiết.

"Việc đặt máy chủ bắt buộc trong nước hay không không cần thiết mà phải làm sao kiểm soát được tất cả thông tin đi vào, đi ra. Vấn đề này Chính phủ có yêu cầu giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng tường lửa quốc gia, cùng Bộ Công an quản lý. Như vậy sau này hoàn toàn có thể kiểm soát được thông tin", ông Cường cho hay.Dữ liệu người dùng mạng xã hội là tài sản quốc gia
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho hay, quy định về việc đặt cơ quan đại diện, lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam còn có ý kiến khác nhau. Các doanh nghiệp không muốn vì sợ rườm rà về thuế; còn cơ quan chức năng đặt vấn đề nếu không quản lý thì sẽ có hiểm hoạ về an ninh.

"Lo ngại của cơ quan an ninh và các doanh nghiệp đều chính đáng. Nhưng cơ sở pháp lý nào để công an đề xuất như vậy? Phải kiểm tra trước hay sau những thông tin quan trọng về an ninh quốc gia", ông Việt đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói, bản chất của việc đặt máy chủ là dữ liệu người sử dụng mạng và các dữ liệu quan trọng khác đưa ra trong quá trình sử dụng ở Việt Nam thì phải được để ở Việt Nam. Đây là tài sản quốc gia, vấn đề chủ quyền, liên quan đến an ninh quốc gia nên cơ quan chức năng phải quản lý.

"Máy chủ hay không máy chủ không quan trọng, mà thông tin phải ở Việt Nam và các cơ quan quản lý của Việt Nam phải quản lý, nghĩa là quản lý thông tin do người Việt Nam sử dụng ở Việt Nam", Bộ trưởng Công an nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn, "quy định lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam người sử dụng Việt Nam có khả thi không, khi kho dữ liệu ở không gian mạng. Nếu họ chuyển ra nước ngoài thì làm sao mình biết?"

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, về nguyên tắc, dữ liệu của Việt Nam thì phải ở Việt Nam, "đấy là yêu cầu, còn cách thức tổ chức như thế nào thì sau này sẽ bàn".
Trung tướng Hoàng Phước Thuận (Cục trưởng An ninh mạng, Bộ Công an) nói: "Cơ sở dữ liệu người dùng Việt Nam phải đặt tại Việt Nam và Cục an toàn thông tin mạng đủ khả năng kiểm soát".
Theo ông, nếu có luật thì các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới buộc phải thực hiện theo luật và cung cấp các hệ thống để Việt Nam kiểm soát được.

"Cơ sở dữ liệu người dùng Việt Nam là tài sản quốc gia rất lớn, nếu chúng ta không kiểm soát được thì nó có thể bị sử dụng để tấn công vào các mục tiêu khác, có thể sử dụng để chiếm đoạt bí mật, không những của cá nhân đó mà bắc cầu tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia. Vì vậy, việc bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu người dùng rất cần thiết", ông Thuận nhấn mạnh.

Ông cho rằng, với hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý như hiện nay thì "chắc chắn chúng ta không đấu tranh được gì, không bảo vệ được bí mật của quốc gia".

Dự luật phải đồng nhất với cam kết thương mại quốc tế

Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm, tháng 12/2016, Uỷ ban châu Âu đã buộc các công ty Facebook, Google, Twitter phải sửa đổi một số vấn đề liên quan đến bảo mật nhằm đảm bảo sự riêng tư của người dùng, loại bỏ nội dung bất hợp pháp, lừa đảo. Các Uỷ ban quản lý liên quan đến truyền thông của liên minh châu Âu vừa nhất trí sửa nhiều quy định để kiểm soát nội dung video trên các mạng xã hội, theo đó các video này sẽ bị kiểm soát nội dung như trên truyền hình.
28 cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia châu Âu đã thống nhất không cho phép Facebook sử dụng ứng dụng WhatsApp để truyền dữ liệu 36 triệu người dùng WhatsApp lên Facebook...
Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định quy định nêu trên là để giúp truy tìm nguồn gốc, phương thức và tội phạm liên quan, chứ không phải luật này đưa ra thì "không có bí mật lọt ra nước ngoài hay thông tin xấu độc không tràn vào".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nếu đặt vấn đề ban hành luật rồi không còn xảy ra các trường hợp thông tin xấu độc nữa thì "không khả thi". Tuy nhiên, bà đề nghị cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu "làm sao để Việt Nam không bị quy vào danh sách các nước cấm đoán internet", và nội dung của Luật đồng nhất với các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật An ninh mạng được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2017, dự kiến sẽ tiếp tục được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.

 (Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây