(TTCNTT) - VietABank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển toàn bộ hệ thống Trung tâm dữ liệu sang môi trường Điện toán đám mây Private Cloud.
Theo Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển toàn bộ hệ thống Trung tâm dữ liệu sang môi trường Điện toán đám mây Private Cloud.
Với định hướng đưa VietABank trở thành một trong những Ngân hàng hàng đầu Việt Nam trong những năm tới, nên việc chú trọng vào đầu tư về Công nghệ thông tin là một trong những định hướng chiến lược VietABank. Đây là một trong những bước đi quan trọng và quyết định, chuẩn bị cho lộ trình chuyển đổi sang xu thế Digital Banking theo chiến lược ngân hàng số trong cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4.
Từ năm 2014, Khối Công nghệ ngân hàng của VietABank đã thực hiện Dự án tái cấu trúc hạ tầng và an ninh Trung tâm dữ liệu giai đoạn 1 - Xây dựng trung tâm dữ liệu thế hệ mới ứng dụng công nghệ “ảo hoá”, sử dụng công nghệ điện toán đám mây. VietABank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có toàn bộ 100% máy chủ được thực hiện ảo hóa với hạ tầng VMware.
Năm 2015, Khối Công nghệ ngân hàng tiếp tục triển khai Dự án tái cấu trúc hạ tầng và an ninh Trung tâm dữ liệu giai đoạn 2 - Xây dựng Trung tâm Dữ liệu dự phòng của VietABank, nhằm đảm bảo tính an toàn của dữ liệu và tính liên tục của giao dịch khi có sự cố tại một trong hai Trung tâm dữ liệu, đồng thời đáp ứng Thông tư 01/2011/TT-NHNN và kết quả thanh tra của ngân hàng nhà nước về việc chấp hành triển khai Trung tâm Dữ liệu dự phòng.
Giám đốc Khối Công nghệ VietABank Nghiêm Sỹ Thắng chia sẻ tại Hội nghị điện toán đám mây. Ảnh: NHNN
Tháng 5/2017, Khối Công nghệ ngân hàng tiếp tục thực hiện một dự án mang tính đột phá về hạ tầng Trung tâm Dữ liệu đó là di chuyển Trung tâm Dữ liệu chính và thực hiện đưa toàn bộ hai Trung tâm Dữ liệu của VietABank lên Private Cloud. Sự chuyển dịch hoàn toàn đáp ứng được xu thế quản lý thông tin, dữ liệu của ngành Ngân hàng trong công tác quản trị công nghệ và đem lại những lợi ích vượt trội cho VietABank. Mô hình điện toán đám mây mà VietABank lựa chọn tích hợp được mọi khoảng cách và thời gian, hạn chế rủi ro gián đoạn cục bộ về đường truyền.
Toàn bộ nhân viên của VietABank hoạt động trên khắp lãnh thổ Việt Nam đều có thể truy cập vào Trung tâm Dữ liệu với sự đơn giản, an toàn và tiện lợi nhất, tiết kiệm được chi phí về con người cũng như chi phí quản lý hạ tầng so với phương án xây dựng trung tâm dữ liệu vật lý trước đây. Với tính bảo mật cao, điện toán đám mây đem lại cho khách hàng,, người sử dụng dịch vụ những trải nghiệm khác biệt, cũng như nâng cao giá trị phát triển phù hợp và bền vững của doanh nghiệp. Triển khai chiến lược Điện toán đám mây toàn diện cho mô hình Ngân hàng là rất khó, do đó thành công của VietABank ngay lập tức được sự quan tâm của giới công nghệ.
Trong thời gian qua, lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là thanh toán điện tử đã chứng kiến những tác động mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến nay, số lượng tài khoản cá nhân mở tại các NHTM trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 NHTM đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán). Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trong lĩnh vực thanh toán được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm, chú trọng. NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 10/01/2017 về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ và thanh toán trực tuyến.
Vừa qua, Thống đốc NHNN cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech, trong đó Vụ Thanh toán NHNN được giao làm Cơ quan thường trực, giúp việc Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ: Trình Thống đốc NHNN phê duyệt chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm; tham mưu đề xuất với Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ; trình Thống đốc quyết định những nội dung quan trọng liên quan đến Fintech như chiến lược/kế hoạch phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam...
(Nguồn: itcnews.vn)