SharePoint
Liên kết web
 
 

Thủ tướng yêu cầu xây dựng tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh

06/12/2016 08:30
(TTCNTT) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương về việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam.

Văn phòng  Chính phủ cho biết, trên cơ sở xem xét nội dung kiến nghị của Bộ TT&TT tại báo cáo kèm theo văn bản 3963/BTTTT-KHCN ngày 11/11/2016 về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành kèm theo Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thủ tướng Chính phủ, đô thị thông minh là khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững (Ảnh minh họa. Nguồn: imexsystems.com)

Thủ tướng Chính phủ nhận định, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng về đô thị thông minh vào ngày 23/11 tại Hà Nội có sự góp mặt của hơn 31 doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng đại diện Sở TT&TT Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam như Viettel,  VNPT, MobiFone, FPT, CMC, DTT…, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, xây dựng và phát triển thành phố thông minh hơn hay có thể nói ngắn gọn là xây dựng smartcity đang trở thành chủ đề nóng trên thế giới và tại Việt  Nam trong những  năm gần đây. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã kéo theo không ít thách thức, điển hình như: sự gia tăng về dân số kèm theo tình trạng dân số già, thách thức về môi trường, xu thế cắt giảm ngân sách, yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và sự phát triển bền vững…

Theo Thứ trưởng, tất cả những thách thức đó đã tạo áp lực buộc quá trình đô thị hóa phải điều chỉnh để tiến tới hình thành một số thành phố đáng sống hơn, phát triển bền vững hơn. Các thách thức trên buộc quá trình đô thị hóa phải xử lý bởi những giải pháp “thông minh”. Khi một thành phố triển khai các giải pháp này, thành phố đó đang trong  quá trình trở nên thông minh hơn. Một trong số các yếu tố đóng vai trò quan trọng cho quá trình dịch chuyển này là CNTT-TT.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, từ đầu năm 2016, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện học tập kinh nghiệm phát  triển tại các đô thị tiên tiến, xây dựng mô hình đô thị thông minh điển hình phù hợp với Việt Nam, đánh giá các nền tảng công nghệ quan trọng, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật CNTT và rà soát hiện trạng ứng dụng CNTT&TT để đánh giá các điều kiện cần thiết tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Cũng trong thời gian này, một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, TP.HCM, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… đã bắt tay xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Quá trình dịch chuyển sang thành phố thông minh không thể thiếu một nền tảng pháp lý chặt chẽ được xây dựng nhằm thích ứng và hỗ trợ cho việc vận hành của thành phố thông minh. Trong toàn bộ quy trình này, CNTT-TT chỉ là một công cụ để giúp một thành phố giải quyết một hay nhiều vấn đề cụ thể chứ không phải là mục tiêu phát triển của thành phố. Chính vì vậy, việc phát triển, xây dựng một thành phố thông minh hơn không chỉ thuần túy dựa vào các giải pháp công nghệ mà cần quan tâm đến cả những vấn đề khác”.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây