Cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là CNTT
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cùng những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng này vừa tiếp tục được đưa ra “mổ xẻ” tại hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2017 được Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với IDG Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Khai mạc hội thảo này, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó trưởng ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh, CMCN 4.0 sẽ làm biến đổi căn bản cuộc sống của chúng ta. Phạm vi, tầm ảnh hưởng và mức độ phức tạp của cuộc cách mạng này "không giống bất cứ điều gì nhân loại từng trải qua trước đó".
Theo ông Quý, CMCN 1.0 mang đến năng lượng hơi nước giúp cơ giới hóa sản xuất; trong CMCN 2.0 điện năng đã đưa đến khả năng sản xuất hàng loạt; với CMCN 3.0, CNTT và điện tử mang lại sản xuất tự động hóa; còn đến CMCN 4.0, sự xuất hiện những xu thế công nghệ mới với Internet kết nối vạn vật trong vật lý, kỹ thuật số, sinh học, có liên quan chặt chẽ và thâm nhập lẫn nhau.
“Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, có 3 lý do để xuất hiện CMCN 4.0 với tư cách là một cuộc cách mạng kế tiếp hoàn chỉnh, không phải sự kéo dài của cuộc CMCN 3.0, đó là tốc độ, phạm vi và tác động mang tính hệ thống. Sự biến đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu sẽ diễn ra sâu sắc từ khâu sản xuất đến quản lý doanh nghiệp và quản trị quốc gia. Cũng như các cuộc CMCN trước đó, CMCN 4.0 mang lại cả thách thức và cơ hội cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Các Chính phủ sẽ phải thay đổi cách tiếp cận với những cam kết trước công chúng và với việc làm chính sách”, ông Quý cho hay.
|
Ảnh minh họa |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng khẳng định, CMCN 4.0 được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vĩ mô, hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, di truyền, trí tuệ nhân tạo, IoT… đã và đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị của mỗi quốc gia. Không xa nữa, CMCN 4.0 sẽ có tác động mạnh mẽ tới đời sống sản xuất của con người, kết nối IoT trở nên phổ biến, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo… “Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần này”, ông Dũng chia sẻ.
Còn theo nhận định của ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cốt lõi của CMCN 4.0 vẫn là CNTT và ở góc độ chính quyền thì cần tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các cấp.
“Đón” làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0
Ở góc độ của cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ TT&TT về quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, hiện nay CMCN 4.0 đang được trao đổi, nghiên cứu, đánh giá tác động cũng như thách thức, thời cơ của cuộc CMCN này đối với Việt Nam, qua đó xác định chiến lược, định hướng phát triển phù hợp với xu hướng CMCN 4.0. “Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 vào ngày 3/4 vừa qua, Chính phủ đã nghe một báo cáo chuyên đề về CMCN 4.0, trong đó có đề xuất một số giải pháp để Việt Nam có thể bắt kịp sự phát triển của cuộc cách mạng này", ông Phúc nói.
Cũng trong tham luận “CMCN 4.0 và các vấn đề đặt ra đối với phát triển Chính phủ điện tử”, ông Phúc đã liệt kê ra 6 đặc trưng cơ bản của CMCN 4.0, đó là: xu hướng phát triển sản xuất thông minh kết hợp công nghệ tự động hóa, CNTT dựa trên nền tảng công nghệ BigData Analytics, Cloud Computing, IoT; công nghệ in 3D - cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh bỏ qua các giai đoạn lắp rắp để tạo ra sản phẩm; máy móc tự động hóa và tích hợp con người - máy móc; robot thay thế dần con người trong nhiều hoạt động; IoT làm cho các vận dụng, thiết bị trở lên thông minh hơn, tạo ra nhiều dịch vụ mới; công nghệ nano và AI, công nghệ sinh học được áp dụng rộng khắp.
Bên cạnh việc chỉ ra những cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, người đứng đầu Cục Tin học hóa cũng nêu rõ 3 thách thức lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp này đặt ra đối với việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử.
|
Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa trình bày tham luận “CMCN 4.0 và các vấn đề đặt ra đối với phát triển Chính phủ điện tử” tại hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2017. |
Thách thức đầu tiên, theo ông Phúc, CMCN 4.0 yêu cầu việc nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) phải có tính chất cách mạng, do đó đòi hỏi cơ quan nhà nước phải cung cấp những dịch vụ cá nhân hóa, không phụ thuộc thời gian, không gian và nguồn dữ liệu, có thể đáp ứng yêu cầu của công dân một cách tức thời; phải cung cấp các dịch vụ mới sử dụng dữ liệu theo thời gian thực, ví dụ như phòng chống thảm họa, y tế thông minh, giao thông thông minh… Đồng thời, CMCN 4.0 còn đòi hỏi CQNN phải cung cấp dịch vụ mới trên nền tảng mở, tích hợp, chia sẻ dữ liệu chung giữa nhà nước và khu vực tư.
Cùng với đó, CQNN cũng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý cho phù hợp với CMCN 4.0 “Khi CMCN 4.0 đem đến những hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp thì ngược lại người dân, doanh nghiệp cũng sẽ đòi hỏi các CQNN phải thay đổi tư duy, cách thức quản lý cho phù hợp. Trước mắt, chúng ta sẽ phải quản lý hành chính nhà nước thống nhất thông qua chia sẻ dữ liệu, thông tin, tri thức và hợp tác giữa các CQNN trên môi trường mạng. Việc xử lý công việc của CQNN sẽ phải nhanh, kịp thời hơn; đồng thời hoạt động của CQNN cũng phải có tính chất công khai, minh bạch cao hơn nhiều so với hiện nay”, ông Phúc nhận định.
Nhấn mạnh thách thức trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng trong xu thế phát triển của CMCN 4.0, ông Phúc phân tích: “Hiện giờ, dù chúng ta mới chỉ có vài chục triệu người sử dụng Internet nhưng vấn đề an ninh thông tin đã cực “nóng”. Thử hình dung thời gian tới, khi chúng ta có tới hàng tỉ thiết bị, hàng tỉ bộ cảm biến kết nối Internet để cung cấp thông tin dữ liệu, vấn đề này sẽ còn cấp bách đến mức nào. Điều đó đòi hỏi cơ quan nhà nước phải thiết lập những cơ chế một cơ chế kiểm tra, phòng chống và ứng cứu để đảm bảo an toàn thông tin cho các dịch vụ thông tin có tính mở, đồng thời cũng cần có giải pháp để tăng cường quản lý, kiểm soát thông tin cá nhân”.
Trên cơ sở nhận thức CMCN 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử, ông Phúc cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu về CMCN 4.0 để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tận dụng được cơ hội do CMCN 4.0 đem lại.
Với Bộ TT&TT, theo đại diện Cục Tin học hóa, trong xu thế phát triển của CMCN 4.0, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ triển khai xây dựng cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp luật để tháo gỡ rào cản đối với những ứng dụng, dịch vụ Chính phủ điện tử mới do các công nghệ mới như IoT, Big Data, AI, Cloud Computing… và nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu khu vực công - khu vực tư tạo ra.
Theo ICT