Hội thảo có sự tham dự của đông đảo chuyên gia, cán bộ ngành di sản văn hóa, bảo tàng, thư viện, CNTT,… Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888 - 20.8.2023) và 35 năm thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng (1988 - 2023).
Ông Nguyễn Đình Thịnh, Phó trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, Hội thảo là diễn đàn khoa học để các đơn vị tiếp cận những vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn về ứng dụng CNTT trong hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa hiện nay. Đồng thời, thông qua hội thảo, mong muốn góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP.HCM nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung.
Theo các chuyên gia, trong thời đại phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, tin học hóa và ứng dụng CNTT ngày càng được quan tâm và giữ vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh đời sống, xã hội. Đây được xem là nền tảng vững chắc nhằm phục vụ cho tiến trình phát triển đất nước, đóng vai trò như một cánh tay đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu và chương trình hành động mang tầm nhìn phát triển bền vững.
Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM Vĩnh Quốc Bảo cho biết, từ năm 2009, Thư viện đã phối hợp cùng các thư viện tỉnh ở miền Trung, miền Nam thực hiện chương trình sưu tầm, số hóa và phát huy giá trị tài liệu quý hiếm Hán Nôm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như: không thuyết phục được người dân số hóa tài liệu họ sở hữu, kinh phí cho công nghệ để số hóa, một số tài liệu hiện nay đã hư hỏng chưa tìm được cách phục chế... Trên thực tế, không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp để có thể làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm vai trò của CNTT trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài nhấn mạnh, ứng dụng CNTT trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong ngành Bảo tàng là một tư duy hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế. “Ứng dụng CNTT cũng là điều mong ước của Bảo tàng Áo Dài nhằm thu hút khách tham quan, tăng cường hiệu quả các mặt hoạt động. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT vào hoạt động bảo tàng ngoài công lập từ nguồn vốn của cá nhân, gia đình và công ty là điều khó khăn. Nhằm thu hút khách tham quan, tăng cường hiệu quả các mặt hoạt động, Bảo tàng đang từng bước nâng cao hiệu quả đối với công chúng qua hoạt động trưng bày, triển lãm lưu động, giáo dục, trình diễn di sản văn hóa”, bà Vân bày tỏ.
Giám đốc Bảo tàng Áo Dài cũng cho hay, thời gian tới, Bảo tàng sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử phát triển trên không gian mạng, đồng thời có được phần mềm quản lý phù hợp. Bảo tàng mong muốn xây dựng hệ thống màn hình tương tác trong suốt (Transparent LCD), tương tác không chạm (LeapMotion), màn hình cố định bên cạnh các kênh chữ chú thích… để khách có thêm trải nghiệm về mặt hình ảnh tương quan về không gian hoặc mô phòng về câu chuyện của nhân vật.
“Trên thế giới, bảo tàng thông minh không quá xa lạ, nhưng tại Việt Nam, số lượng các bảo tàng ứng dụng công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn. Hiện nay, một số bảo tàng đã và đang thực hiện những bước đi liên quan đến hình thức của chuyển đôi số. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, mỗi bảo tàng cần tự đổi mới bằng việc tận dụng tối đa các kỹ thuật công nghệ hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, nâng cao đáp ứng yêu cầu và quan trọng nhất là khai thác tối đa công nghệ để đáp ứng ngày càng cao của công chúng”, bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho hay.
Trải nghiệm tham quan bảo tàng qua tương tác thực tế ảo
Theo ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, đối với lĩnh vực bảo tàng, CNTT phát triển nhanh chóng phần nào đó cũng đã ảnh hưởng đến các hoạt động của bảo tàng, đặc biệt là công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc tìm tòi những bước đi mới mang tính đột phá, phù hợp với xu thế hiện nay, đã và đang trở thành những mục tiêu mà bảo tàng hướng đến trong thời gian sắp tới.
Theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu chung của Chương trình là: “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; đảm bảo tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hoá, đảm bảo đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi”.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng có văn bản số 3380/BVHTTDL-DSVH về việc Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2030.