SharePoint
Liên kết web
 
 

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá

22/08/2023 14:58
CĐS- Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Riêng đối với lĩnh vực bảo tàng, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác lưu giữ, bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch thông minh và đưa di sản đến gần hơn với du khách và người dân.

Tích cực, bài bản triển khai số hóa bảo tàng

Bộ VHTTDL đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Bắt đầu từ thời điểm trong và sau dịch bệnh Covid-19, những bảo tàng, danh thắng hàng đầu của Việt Nam đã tích cực triển khai số hóa di sản một cách bài bản.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (BTLSQG) được biết đến là một trong những bảo tàng đi đầu trong triển khai số hóa. Từ năm 1997, Bảo tàng đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm quản lý. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, Bảo tàng đã tích cực, chủ động đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu những giá trị tài liệu, hiện vật; ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, thu hút khách tham quan, thích ứng với hoàn cảnh khó khăn do đại dịch gây ra.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa - Ảnh 1.Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật sử dụng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA.

Có thể kể đến những trưng bày chuyên đề đã từng được giới thiệu dưới dạng số hóa gồm: "Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam", "Đèn cổ Việt Nam" và "Linh vật Việt Nam". Sau đó, Bảo tàng tiếp tục xây dựng trưng bày ảo 3D hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng với các chủ đề: "Việt Nam thời Tiền sử", "Văn hóa Đông Sơn", "Triều Ngô- Đinh - Tiền Lê - Lý, Trần", "Văn hóa Óc Eo - Phù Nam".

Khám phá các trưng bày chuyên đề này, chỉ với thao tác nhấn chuột đơn giản trên máy tính hoặc nhấn chạm trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan vừa như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, có thể ngắm nghía đa chiều các "báu vật" lịch sử, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên sống động và thú vị. Đặc biệt, công chúng còn được tương tác, nghe các chuyên gia, các nhà sử học giới thiệu về điểm đặc sắc trong mỗi không gian trưng bày, hay những câu chuyện thú vị về hiện vật trưng bày tại BTLSQG qua mục "Tương tác với nhà sử học".

Tháng 9/2021, trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia giới thiệu 20 bảo vật quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng. Trong những năm gần đây, trên cơ sở các trưng bày chuyên đề trực tiếp tại BTLSQG đã số hóa dữ liệu, xây dựng thành các trưng bày chuyên đề trực tuyến như: "Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ của các nền văn hóa"; "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam"; "Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội"… Đây là hình thức giúp đông đảo công chúng (công chúng trực tiếp và cả công chúng không/chưa có điều kiện đến Bảo tàng) dễ dàng tham quan, tìm hiểu trưng bày và khám phá các tài liệu, hiện vật độc đáo, giá trị. Một số trưng bày đã có phụ đề tiếng Anh kết hợp với những hình ảnh 3D hiện vật đặc sắc và không gian trưng bày sinh động, chân thực.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã và đang có những hoạt động tích cực trong "chuyển đổi số". Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA ra mắt giúp khách tham quan tiếp cận bảo tàng chủ động.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa - Ảnh 2.Với điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do
khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Với điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp và trực tuyến bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới.

Nhờ ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận được giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc do Bộ TT&TT trao tặng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là địa phương tích cực trong triển khai số hóa di sản. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản. Hiện nay, hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội.

Trên nền tảng đó, một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa - Ảnh 3.Tham quan trực tuyến Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Tại TP Hồ Chí Minh, từ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động của bảo tàng gần như đình trệ, sự kết nối trực tiếp giữa bảo tàng và công chúng bị gián đoạn và tạm ngừng. Trong một tình huống mà các bảo tàng hoàn toàn chưa từng đối mặt trong hoạt động của mình, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Bảo tàng TP.HCM đang trong quá trình thực hiện số hóa không gian, các phòng trưng bày và tài liệu hiện vật. Bảo tàng xây dựng kho dữ liệu trung tâm nhằm tối ưu hóa việc quản lý, cập nhật thông tin và một ứng dụng riêng, nhằm tích hợp các dữ liệu trên mọi nền tảng có sự hỗ trợ của thiết bị thông minh, đa ngôn ngữ…; tiến tới thiết lập cơ sở dữ liệu chung cho việc kiểm soát và đánh giá khách tham quan như: Vé điện tử, hệ thống phản hồi trực tuyến. Hiện nay, Bảo tàng đã hoàn thành việc đưa công nghệ vào trưng bày như mã QR, máy quét Hologram (thể hiện hình ảnh 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo - VR)…

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, về lĩnh vực số hóa di sản là một chủ trương lớn mà ngành văn hóa phải tập trung đầu tư thực hiện trong xu hướng sắp tới. "Hiện nay tại một số di tích, bảo tàng rất tích cực thực hiện quá trình này, họ đã có những sáng kiến rất đáng khích lệ. Các bảo tàng và di tích, khi đứng trước định hướng như thế và trước nhu cầu phát triển của xã hội, việc tương tác về công nghệ là rất cần thiết. Ta phải hiểu rằng số hóa di sản cũng như làm trưng bày, diễn giải di sản là công việc của một tập thể, bao gồm những nhà nghiên cứu chuyên ngành, nhà bảo tàng học, nhà thiết kế, cán bộ kỹ thuật và cả những người làm giáo dục, truyền thông di sản. Số hóa trưng bày phải là công trình sáng tạo cùng nhau, không đơn thuần chỉ là công nghệ. Quá trình này cần phải nghiên cứu tốt, sản phẩm tốt mới đáp ứng nhu cầu công chúng. Sản phẩm ấy mới đủ hàm lượng thông tin khoa học về văn hóa, mới đủ tính hấp dẫn và nó cần thích ứng về mặt kỹ thuật, nếu không, số hóa sẽ không còn ý nghĩa", TS Lý bày tỏ.

Ưu tiên chuyển đổi số bảo tàng

Từ định hướng, chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52- NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trong đó nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa - Ảnh 4.Hình ảnh trưng bày 3D Trống đồng Ngọc Lũ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa - Ảnh 5.Ứng dụng iMuseum VFA bao gồm audio, text, ảnh chất lượng cao, trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp
tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ứng dụng hiện được tích hợp trên 2 nền tảng Android và iOS. Ảnh: VNFAM

Ngày 31/12/2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số: "Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội".

Chương trình chuyển đổi số cũng hướng tới xây dựng xã hội số: "Xây dựng, phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai". Đồng thời, chương trình đề ra mục tiêu thực hiện chuyển đổi số cho các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa, hướng đến phát triển kinh tế số.

Đây cũng là 1 trong 6 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra cho ngành VHTTDL tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 11/2021 là xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Tháng 10/2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị-Hội thảo “Chuyển đổi số của ngành văn hóa, thể thao và du lịch” theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước. Hội nghị- Hội thảo có ba nhóm chuyên đề: Số hóa tài nguyên văn hóa, Du lịch số và Thể thao số, Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia. Qua đó cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, với nhiều bước đi tích cực được khẳng định rõ nét trong thời gian đại dịch Covid-19, cũng như hướng thực hiện trong thời gian tới.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chuyển đổi số, kinh tế số là một xu hướng tất yếu mà tất cả các quốc gia sẽ đi theo hướng này. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập đến nội dung này, đồng thời đặt ra chỉ tiêu đóng góp của kinh tế số trong GDP. Bộ VHTTDL cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong vấn đề cùng với các Bộ, ngành khác để liên tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

"Chính vì vậy, Bộ đã có sự chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề Chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng, phải chọn trên cơ sở nguồn lực của chúng ta. Vì vậy, Bộ VHTTDL chọn các nhóm giải pháp vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa rút kinh nghiệm nghiệm. Trước mắt Bộ VHTTDL có ba nhóm cần được ưu tiên. Đó là phải chuyển đổi số một cách mạnh mẽ nhất trong bảo tàng, vì chỉ có chuyển đổi số qua hoạt động của bảo tàng thì nó mới tiếp cận đến với công chúng, với người dân, phải tạo ra một sự tiện ích.

Nhóm đối tượng thứ hai cần phải số hóa, đó là lĩnh vực thư viện, để đưa văn hóa đọc đến với mọi người một cách tiện ích nhất, bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn bằng lối đi riêng và quy luật riêng của tác động nghệ thuật, và nhất là nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của con người, hành động qua những kiến thức được đúc rút qua sách vở. Văn hóa đọc trở nên thân thiện, gần gũi hơn, khắc phục được những việc mà chúng ta đang sai phạm.

Lĩnh vực thứ ba là các loại nghệ thuật. Cần phải tính toán ngoài việc biểu diễn trực tiếp có thể chúng ta làm được nghệ thuật thông qua công nghệ. Và quá trình đó chúng ta không quên du lịch phải thực hiện nhiệm vụ dẫn đường trong gói Chính phủ đã giao cho Bộ, phải triển khai để chúng ta tạo được điều kiện đáp ứng được mong muốn của công tác quản trị Nhà nước và nhu cầu của du khách.

Các công việc này đang và sẽ được hoàn thiện trong thời gian ngắn nhất, góp một phần tích cực của Bộ VHTTDL trong quá trình Chuyển đổi số"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định./.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây