Tăng cường ứng dụng công nghệ
Từ tháng 9/2022, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với Công ty CP Giải pháp chuyển đổi số (VR360) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan. Dự án chuyển đổi số của bảo tàng được chia làm 3 giai đoạn, kéo dài đến năm 2024. Trong giai đoạn đầu (năm 2022), phía VR360 hỗ trợ bảo tàng hoàn thành các hạng mục như: tạo VR tour cho tổng quan dự án, vẽ model 3D...
Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho biết, đến nay, bảo tàng đã phối hợp triển khai giai đoạn 2 của dự án, hoàn thành xây dựng website thực tế ảo VR360 tích hợp tính năng MC ảo giới thiệu toàn bộ không gian trưng bày của bảo tàng tại địa chỉ: https://vr360.com.vn/projects/bao-tang-my-thuat-da-nang/. Đồng thời đang lồng tiếng thuyết minh tiếng Việt và tiếng Anh cho khoảng 100 hiện vật tại không gian trưng bày cố định (tầng 2 và 3) thông qua mã QR.
"Trong năm 2024, đơn vị tiếp tục nâng cấp giao diện, xây dựng triển lãm trên không gian vũ trụ ảo (Metaverse) để giới thiệu các bộ sưu tập chưa có điều kiện trưng bày hoặc tạo các cuộc triển lãm chuyên đề online", bà Trinh nói.
Tại Bảo tàng Đà Nẵng không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trưng bày, giới thiệu hiện vật, di tích. Cùng với đó, phối hợp các đơn vị thực hiện giải pháp chuyển đổi số ứng dụng trong lĩnh vực văn hóa; đưa ra những giải pháp tổng thể về số hóa tài nguyên di sản, hệ sinh thái ứng dụng phục vụ chuyển đổi số, bảo tàng số thông minh…
Đặc biệt, đơn vị liên tục bổ sung các di tích trên địa bàn lên nền tảng "Bản đồ di sản số" tại website: bandodisandanang.vn. Đến nay, nền tảng này giới thiệu tương đối hoàn chỉnh hệ thống di tích trên địa bàn với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích liên tỉnh, 15 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp thành phố và 1 khu du lịch cộng đồng. Ngoài ra, đơn vị hiện có hơn 600 hiện vật trưng bày được số hóa, kèm theo hồ sơ thuyết minh. Qua đó, góp phần đa dạng hình thức phục vụ khách tham quan, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu lưu trữ, quảng bá giá trị các di sản văn hóa vật thể.
Trong khi đó, năm 2022, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nghiên cứu và đưa vào ứng dụng mô hình quản lý thông tin hiện vật kho bằng công nghệ quét mã QR, giúp truy xuất thông tin hiện vật nhanh chóng, góp phần tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian cho đội ngũ quản lý. Từ tháng 3 đến 10/2022, thư viện của đơn vị số hóa khoảng 100 bài nghiên cứu lịch sử, văn hóa Champa trong tạp chí khảo cổ học; bổ sung thêm gần 300 đầu mục tài liệu điện tử từ các nguồn chia sẻ tài liệu trực tuyến như các thư viện, trung tâm nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dữ liệu số của hiện vật và tòa nhà bảo tàng - di tích lịch sử cấp thành phố. Đồng thời thực hiện số hóa 3D các hiện vật tiêu biểu, phục vụ công tác tạo lập dữ liệu, làm cơ sở khoa học cho công tác bảo quản, phục chế, trưng bày, truyền thông…
Từng bước gỡ khó
Dù có nhiều nỗ lực, song công tác chuyển đổi số ở các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, công tác trưng bày các tư liệu, hiện vật vẫn chưa được ứng dụng mã QR hay xem 3D thực tế ảo. Website nhà trưng bày có thiết kế bảo tàng ảo nhưng chưa tiếp cận được từng tư liệu hiện vật. Trưởng bộ phận nghiệp vụ, Nhà trưng bày Hoàng Sa Huỳnh Thị Kim Lập cho biết, hiện đơn vị chưa có nguồn nhân lực công nghệ thông tin được đào tạo qua các lớp học dài hạn, đúng chuyên ngành nên công tác quản lý vận hành và khai thác ứng dụng, phần mềm tại đơn vị còn nhiều trở ngại. Để cải thiện chất lượng phục vụ công chúng, thời gian tới Nhà trưng bày Hoàng Sa triển khai dự án nâng cấp website bảo tàng ảo lên bảo tàng 3D và ứng dụng mã QR trong giới thiệu hiện vật. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin để đáp ứng công tác chuyển đổi số tại nhà trưng bày.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tuy ứng dụng công nghệ thông tin khá toàn diện nhưng là đơn vị tự chủ nên sau 2 năm ảnh hưởng của Covid-19, bảo tàng gặp khá nhiều khó khăn về tài chính phục vụ hoạt động cũng như công tác chuyển đổi số. Và kinh phí, nguồn nhân lực cũng là những khó khăn chung của các bảo tàng, nhà trưng bày trong tiến trình chuyển đổi số.
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, hầu hết các bảo tàng, nhà trưng bày đang thiếu nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ bảo tàng, không chuyên về công nghệ thông tin. Vì vậy, trước mắt vẫn cần sự tư vấn, hỗ trợ của các đơn vị bên ngoài để triển khai số hóa hoạt động trưng bày, giới thiệu hiện vật.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho rằng, sự hỗ trợ của các đơn vị tư nhân chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các bảo tàng vẫn cần có nguồn nhân lực chuyên môn sâu về công nghệ thông tin và chuyển đổi số để duy trì, vận hành hoặc thay đổi nội dung trưng bày. Ngoài ra, việc hợp đồng với các công ty và đưa công nghệ mới vào số hóa, đáp ứng yêu cầu hiện nay cần nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi ngân sách Nhà nước cho việc thực hiện công tác này tương đối hạn chế. "Các bảo tàng luôn vận động, thường xuyên thay đổi hiện vật trưng bày. Vì vậy, trong tương lai, các bảo tàng, nhà trưng bày rất cần xây dựng cán bộ chuyên trách về công công nghệ thông tin để thực hiện đảm nhận công tác này, hướng đến chuyển đổi số hiệu quả, bền vững, phát huy tốt giá trị hiện vật", bà Trinh nêu quan điểm.
(Nguồn: Báo Đà Nẵng)