Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư là một trong các đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa di sản. Nhằm phục vụ công tác trưng bày và quảng bá giá trị di tích cho du khách, Trung tâm đã đưa vào sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D tại khu vực nhà trưng bày "Di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê". Phối cảnh 3D sử dụng thủ pháp ánh sáng, trình chiếu công nghệ Mapping trên sa bàn, trình chiếu media trên tường. Nội dung chính là giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư trong không gian Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Đơn vị còn phối hợp với Tỉnh đoàn, Trung tâm xúc tiến du lịch, Sở Du lịch xây dựng tuyến bài thuyết minh giới thiệu các điểm di tích; thu âm nội dung thuyết minh; rồi chuyển thành dữ liệu số và tích hợp trong mã QR code bằng 2 thứ tiếng Việt và tiếng Anh. Du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR Code là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật được những thông tin hữu ích về điểm di tích.
Nguyễn Hoàng Khang, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi đi tham quan Cố đô Hoa Lư mà không có hướng dẫn viên thuyết trình nên gặp khó khăn trong tìm hiểu. Nhờ có mã QR code có thuyết minh, giới thiệu điểm di tích này rất thuận lợi cho chuyến hành trình của tôi". Du lịch thông minh không chỉ nằm ở việc nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách, mà còn ở việc nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên.
Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc số hóa các hiện vật. Các hiện vật được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và thực hiện việc xây dựng phần mềm để quảng bá trên các cổng thông tin du lịch thông minh. Để mang đến cho khách tham quan, du lịch những trải nghiệm mới, thú vị, đa dạng hơn, thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý quan tâm, đầu tư thêm hệ sinh thái du lịch thông minh như Hệ thống thuyết minh tự động, thực tếảo 360. Du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu. Nhu cầu du lịch của con người ngày càng tăng và không ngừng phát triển qua các năm.
Với du lịch thông minh, mỗi du khách đều có thể tìm thông tin, lên ý tưởng cho chuyến du lịch cho tới việc đặt và thanh toán chi phí các dịch vụ trên môi trường số. Và các cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin, doanh nghiệp du lịch cũng có thể tận dụng ưu thế của công nghệ để thiết kế các sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm cũng như quảng bá sản phẩm tới du khách.
Anh Phạm Hồng Biên, Giám đốc Công ty Du lịch và sự kiện Tam Sinh - Đại diện chi nhánh Vietrantour Ninh Bình cho biết: Tỷ lệ du khách tiếp cận, tìm hiểu thông tin và đặt các sản phẩm tour, tuyến, combo du lịch qua website và mạng xã hội của Công ty chiếm trên 95%. Khi nhận được phản hồi của khách hàng qua các phần mềm điều hành tour, Công ty có thể quản lý được cơ sở dữ liệu của du khách, từ đó thiết kế các gói sản phẩm, tour du lịch phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp du lịch thông minh mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc thanh toán dịch vụ. Trong 3 tháng đầu năm, Công ty đã đón trên 1.000 lượt khách đến với Ninh Bình.
Hiện nay, hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất là thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử. Trang thông tin điện tử của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch - Sở du lịch với tên miền: dulichninhbinh.com. vn hoạt động đã và đang phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình, cung cấp các thông tin cần thiết cho du khách và doanh nghiệp dịch vụ, các đơn vị lữ hành du lịch. Mỗi năm có hàng triệu lượt truy cập trang thông tin điện tử của Trung tâm xúc tiến du lịch. Bằng giải pháp du lịch thông minh, các nội dung trên trang như: hỗ trợ du khách, khám phá trải nghiệm với thông tin về các danh lam thắng cảnh, các lễ hội, di tích lịch sử…đều được cung cấp đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cho biết: Trang thông tin điện tử của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch là phương tiện để cho du khách dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin về các điểm đến; đồng thời giúp du khách có thể lựa chọn các tour, tuyến phù hợp với gia đình và bản thân mình. Hiện có trên 22 điểm tham quan, du lịch và trên 40 doanh nghiệp dịch vụ, khách sạn lớn trên 3 sao ở địa bàn tỉnh liên kết, thường xuyên cập nhật thông tin cho trang thông tin điện tử đơn vị. Thời gian tới, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cùng các đơn vị liên quan sẽ phối hợp xây dựng thêm các hệ thống ứng dụng thông minh như: chatbot, thuyết minh tự động… nhằm tăng trải nghiệm, dịch vụ cho du khách.
Thời gian qua, ngành Du lịch Ninh Bình đã tập trung triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như: xây dựng hệ thống thông tin số du lịch tỉnh phục vụ công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra giám sát hoạt động du lịch, tuyên truyền quảng bá, hỗ trợ khách du lịch; triển khai phần mềm tiện ích du lịch thông minh; hệ thống wifi hỗ trợ các ứng dụng du lịch thông minh; phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo tích hợp trên nền tảng web và thiết bị di động…
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, du lịch thông minh mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử, góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch. Ngoài ra, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh trong hoạt động quảng bá du lịch giúp cơ quan quản lý - du khách - doanh nghiệp có sự kết nối, tương tác hiệu quả.
Mặc dù ngành Du lịch đang rất nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp phát triển du lịch thông minh, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế: Mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch thông minh ở địa phương chưa cao; trình độ khoa học và công nghệ, sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn thấp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao… Du lịch Việt Nam đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh, du lịch Ninh Bình cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Để phát triển du lịch thông minh theo hướng bền vững trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh; phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh…
(Theo: Báo Ninh Bình)