Hiện nay, vấn đề ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các bảo tàng, di tích lịch sử đã được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực, phù hợp với xu thế phát triển hiện tại và đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu của người xem.
Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tàng sẽ là cầu nối đưa các di sản đang được trưng bày tại các bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.
Với các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động bảo tàng, giờ đây, các sinh viên, học sinh có thể học hỏi và trau dồi thêm nhiều tri thức theo một cách mới lạ, độc đáo nhưng không kém phần hấp dẫn.
Đối với những người say mê khám phá, muốn tìm hiểu về văn hóa con người ở vùng đất mới thì bảo tàng có lẽ sẽ là địa điểm được lựa chọn hàng đầu. Chỉ có điều, trong hình dung của rất nhiều người Việt Nam nhất là thế hệ trẻ, bảo tàng luôn là một không gian khá khô cứng với những hiện vật và tư liệu nằm im lìm trong tủ kính. Khách tham quan chỉ có thể chiêm ngưỡng và tiếp cận được lượng nhỏ thông tin đính kèm mà bảo tàng cung cấp, từ đó khiến lớp trẻ chẳng mấy “mặn mà” với những địa điểm ý nghĩa linh thiêng thế này.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, rất nhiều lĩnh vực trong đó có bảo tàng cũng phải oằn mình để thích ứng với “cuộc sống trực tuyến”, nhằm đưa văn hoá, nghệ thuật đến gần hơn với công chúng thông qua ứng dụng công nghệ trong thời gian giãn cách xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, việc bảo tàng ứng dụng công nghệ chính là cách khai phá không gian văn hóa truyền thống, mang một diện mạo hoàn toàn mới lạ đến với du khách.
Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, công nghệ đã từng bước được đưa vào ứng dụng bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phục vụ lưu trữ, tiếp cận quảng bá đến đông đảo công chúng.
Nhiều điểm đến đã ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày, tham quan online từ nhiều năm nay, như Hoàng thành Thăng Long đã cho ra mắt các tour du lịch về đêm, di tích Nhà tù Hỏa Lò có kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify (ứng dụng nghe nhạc) và Apple Podcasts; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ…
Ứng dụng công nghệ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với mục đích lưu giữ tư liệu trưng bày để giới thiệu trưng bày tới công chúng trong và ngoài nước rộng rãi và lâu dài hơn nữa sau khi trưng bày thực tại bảo tàng kết thúc. Đây thực sự là hình thức phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu công chúng là những người trẻ tuổi hoặc học tập, làm việc gắn với mạng internet.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, giáo dục…Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu 3 trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam và Linh vật Việt Nam
Trên cơ sở những kinh nghiệm và hiệu quả bước đầu, trưng bày ảo 3D giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng phục vụ công chúng với các chủ đề: Việt Nam thời Tiền sử, Văn hóa Đông Sơn, Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, Óc Eo - Phù Nam.
Trưng bày ảo 3D chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa ngày càng cao của các đối tượng công chúng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, BTLSQG tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ và bước đầu hoàn thành một số sản phẩm, đưa vào hoạt động và giới thiệu tới công chúng như: Ứng dụng thuyết minh tự động giới thiệu trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia (App Audio Guide), Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online), Giờ học lịch sử online và đặc biệt là Trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”.
Công chúng sử dụng điện thoại thông minh để tải ứng dụng thuyết minh tự động (App Audio Guide) tham quan trưng bày tại BTLSQG
Công chúng tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online) với chủ đề:“Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần” tại BTLSQG.
Học sinh tham gia Giờ học lịch sử online
Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” - bước ngoặt đổi mới ứng dụng công nghệ
Từ năm 2020, Bảo tàng tiếp tục phối hợp với Công ty Vietsotfpro nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và cập nhật, bổ sung nội dung thông tin, hoàn thiện chuyên đề giới thiệu bảo tàng ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nội dung giới thiệu được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận, theo đó, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ đa dạng nhu cầu của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú). Đặc biệt với việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn.
Tháng 9 năm 2021 Bảo tàng lịch sử quốc ra đã ra mắt một trải nghiệm nâng cấp hơn với ứng dụng 3D thực tế ảo, Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”. Chỉ cần một “click” nhẹ vào đường link: https://baovatquocgia.baotangso.com, du khách có thể tham quan không gian 3 chiều và mỗi một hiện vật đều được xây dựng điểm nhấn giúp du khách trải nghiệm siêu thực. Khác với các trưng bày ảo 3D trước đó, đây là trưng bày được xây dựng hoàn toàn không dựa trên không gian trưng bày thực và rất thu hút khách tham quan trải nghiệm, tương tác nhiều.
Bảng so sánh Trưng bày ảo 3D trước đó với Trưng bày ảo 3D “Bảo vật quốc gia”.
Các trưng bày ảo 3D trước đó
|
Trưng bày ảo 3D “Bảo vật quốc gia”
|
- Dựa trên không gian trưng bày thực.
- Gồm 2 cấp độ thông tin: text giới thiệu và hình ảnh + thông tin ngắn về hiện vật.
- Chỉ xem 3D đơn giản: xoay tròn, zoom to/nhỏ.
|
- Không cần tổ chức trưng bày thực.
- Gồm nhiều cấp độ thông tin: khái quát, chuyên sâu.
- Hình thức tiếp cận, tìm hiểu hiện vật đa dạng: text giới thiệu (đọc), nghe thuyết minh, bài nghiên cứu, tài liệu ảnh, clip/phim, trò chơi…
- Tương tác 3D: tăng cường tính năng tương tác: kết hợp xem chi tiết với tìm hiểu thông tin chi tiết; người xem chủ động thao tác theo ý muốn.
|
Bước vào không gian trưng bày ảo 3D “Bảo vật quốc gia”, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh từ nhiều góc độ của Trống đồng Ngọc Lũ, Mộ thuyền Việt Khê, Tượng hai người cõng nhau thổi khèn, Bia Võ Cạnh, Bình hoa lam vẽ Thiên nga, Bia điện Nam Giao, Ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn chi bảo, Trống Cảnh Thịnh, Kim sách Đế hệ thi, Cuốn Đường Kách Mệnh, Tác phẩm Nhật ký trong tù, Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… Điều đặc biệt là với mỗi bảo vật, công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá đa chiều, không chỉ ở nhiều góc độ khám phá thị giác mà còn là những cấp độ thông tin đáp ứng nhu cầu, cách thức tìm hiểu và trải nghiệm khác nhau.
Giao diện chính của Trưng bày 3D Bảo vật quốc gia
Các trường thông tin của mỗi Bảo vật quốc gia
Trong trưng bày Trưng bày ảo 3D “Bảo vật quốc gia”, với giao diện được thiết kế khoa học, bao gồm các mục: Giới thiệu (là cấp độ thông tin cơ bản, giúp người xem nắm bắt sơ bộ về hiện vật từ cơ bản đến chuyên sâu); Hình ảnh (ảnh chụp bảo vật, ảnh chụp họa tiết hoa văn trang trí trên bảo vật; ảnh bản dập, ảnh di tích liên quan...); Video (clip, trích đoạn phim giới thiệu về bảo vật); Tương tác 3D (ảnh 3D, có thể tương tác); Nghiên cứu (các bài viết, nghiên cứu, chuyên khảo, nhận định... về bảo vật giúp người xem tìm hiểu sâu về hiện vật dưới nhiều góc độ tiếp cận, thông tin khác nhau); Thư mục tài liệu (Danh mục sách/tài liệu/bài viết về bảo vật); Trò chơi (là dạng câu hỏi liên quan đến nội dung của hiện vật..). Lần đầu tiên, công chúng có cơ hội có thể tự tìm hiểu, tra cứu, khám phá bảo vật quốc gia ở nhiều góc độ, cấp độ thông tin khác nhau tùy theo nhu cầu và sự quan tâm của mình.
Đặc biệt là tương tác 3D hiện vật. Đây là hoạt động thu hút công chúng nhất. Trên 3D, trống Ngọc Lũ không còn xuất hiện ở trạng thái tĩnh hay hình ảnh đen xám 2 chiều mà chỉ sau một cú nhấp chuột, hình ảnh từ mọi góc độ của hiện vật được hiện lên, rõ từng chi tiết, hoa văn. Những chi tiết hoa văn, nội dung tiêu biểu, quan trọng cũng được đánh số để người xem có thể dừng lại, tương tác hiện lên những thông tin chi tiết giúp người xem có thể tìm hiểu kỹ càng.
Để tiếp cận với trưng bày này, công chúng thường truy cập trực tiếp từ trang web bảo tàng, facebook bảo tàng, từ tìm kiếm trên web…. Người dùng truy cập nhiều nhất từ các quốc gia: Việt Nam (tăng mạnh), Mỹ, Anh, Australia, Pháp, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Campuchia… Trung bình người dùng sử dụng trang trong khoảng thời gian là 2 phút 45 giây. Với tương tác trải nghiệm xoay 3D được khách sử dụng nhiều nhất và luôn đạt 100% khách truy cập sử dụng tính năng này.
Trong xu thế hiện nay, bảo tàng “ảo” không chỉ là giải pháp để kết nối khách tham quan, nhà nghiên cứu với bảo tàng trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch và hạn chế đi lại, mà còn là xu hướng phát triển, để bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu trực tuyến.
Sau hơn 1 năm giới thiệu Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” trên Website của Bảo tàng, cho thấy, trưng bày này đã thu hút đông đảo lượng khách tham quan. Tính từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022 lượng khách truy cập đạt: 58.661 lượt
Trung bình 1 tháng số lượng khách truy cập là: 4.512 lượt, tháng khách truy cập cao nhất là: 8.110 lượt; thấp nhất là: 2.561 lượt;
Đặc biệt, tháng 10 năm 2022, số lượng khách truy cập lên tới 6.216 người, là tháng lượng khách truy cập tăng mạnh, có thể do nhu cầu tìm hiểu về thông tin Bảo vật quốc gia cũng như công chúng có nhu cầu trải nghiệm trong tháng chuyển đổi số.
Bảng thống kê lượng khách truy cập Bảo tàng ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”
Việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày là xu hướng tất yếu, không thể thiếu đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhưng việc nghiên cứu, xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ trưng bày hiệu quả là vấn đề gặp khó khăn, bởi xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ cũng có những yêu cầu đặc thù. Chẳng hạn, có những tài liệu, hiện vật rất có giá trị về mặt nội dung lịch sử, văn hóa nhưng lại không đảm bảo hoặc ít giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, nhất là loại hiện vật dưới dạng văn bản giấy, do đó khi ứng dụng công nghệ ảo 3D, 4D… sẽ khó tạo được sự hấp dẫn. Khi thực hiện cần nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng công nghệ nào phù hợp với từng loại hình hiện vật để phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng. Bởi suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ chuyển tải, tăng cường hiệu quả phát huy nội dung (nhanh chóng, rộng rãi) sinh động, hấp dẫn, thu hút công chúng. Tuy nhiên, nếu nội dung nghèo nàn thì ứng dụng công nghệ không thể đảm bảo được tính sinh động, hấp dẫn hoặc công chúng cứ xem mãi một nội dung hay trải nghiệm mãi một ứng dụng công nghệ thì sẽ thấy nhàm chán. Bên cạnh đó để bảo tàng ảo thực sự hấp dẫn còn cần đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, đường truyền cũng như chi phí vận hành…
BTLSQG là nơi lưu giữ số lượng bảo vật quốc gia nhiều nhất trong hệ thống các bảo tàng, di tích trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập quý hiếm có giá trị, vì vậy, trên cơ sở những kinh nghiệm qua các lần đổi mới, cập nhật ứng dụng công nghệ, trong thời gian tới, sẽ có thêm trưng bày ảo về các bộ sưu tập hiện vật được giới thiệu trên nền tảng số để đông đảo công chúng được chiêm ngưỡng và trải nghiệm dưới các cách thức tiếp cận và tương tác công nghệ khác nhau. Thông qua việc từng bước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn đưa Bảo tàng đến rộng rãi công chúng hơn đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy được những giá trị di sản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thu hút khách tham quan phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu thế phát triển công nghệ hiện nay.