Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ quốc cùng các đại diện Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dự buổi làm việc. Về phía Tập đoàn Công nghệ BKAV (sau đây gọi tắt là BKAV) có CEO Nguyễn Tử Quảng.
Tại buổi buổi làm việc, các đại biểu đã nghe CEO Nguyễn Tử Quảng giới thiệu một vài nét về hoạt động của BKAV. Theo đó, BKAV đã có 18 năm kinh nghiệm triển khai tin học hóa, 4 năm gần đây Tập đoàn này đang đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực chuyển đổi số.
CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết, theo khái niệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức và cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
CEO Nguyễn Tử Quảng
Đối với xã hội hiện nay, nhu cầu kết nối ngày càng rộng, từ thành thị đến nông thôn ai cũng có smartphone; sử dụng các ứng dụng, tiện ích; kết nối mọi lúc, mọi nơi…Chính vì vậy, chính quyền, doanh nghiệp phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời những nhu cầu đó.
Theo CEO Nguyễn Tử Quảng, nếu tin học hóa lấy nghiệp vụ làm trung tâm, mỗi nghiệp vụ có một cơ sở dữ liệu riêng thì chuyển đổi số lại lấy dữ liệu làm trung tâm, tập trung mọi dữ liệu về Big Data. Về phương thức điều hành, tin học hóa được điều hành bằng các nghiệp vụ còn chuyển đổi số lại điều hành bằng các nhu cầu.
Hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số gồm Big Data (Data-Centric), Platform, Công nghệ mới. Hiện nay, BKAV đã đưa ra được quy trình về chuyển đổi số gồm 6 bước. Trong đó, bước thứ nhất là Phương pháp luận (Data-Centric); bước thứ hai là Xây dựng mô hình kiến trúc; bước thứ ba là Ban hành Mô hình giải pháp; Bước 4 là Đầu tư; Bước 5 là Xác định tầm nhìn dữ liệu và Xây kho dữ liệu; Bước 6 là Khai thác dữ liệu.
Đại diện Cục Di sản văn hóa trao đổi tại buổi làm việc
Tựu chung lại, theo CEO Nguyễn Tử Quảng, chuyển đổi số khuyến khích tối đa sự sáng tạo và đưa ra được các nhu cầu. Yêu cầu đòi hỏi để sáng tạo là phải có một kiến trúc sư trưởng, người này chính là CEO chứ không phải CIO.
Ông Nguyễn Tử Quảng cũng bày tỏ ấn tượng với những dữ liệu vô cùng lớn mà ngành VHTTDL đang quản lý. Với những tiềm năng đó, ngành VHTTDL đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi số thành công, tạo bước ngoặt mới trong công tác quản lý nhà nước.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực VHTTDL. Trong đó, đại diện Cục Di sản văn hóa quan tâm đến vấn đề phân cấp quản lý khi thực hiện kết nối dữ liệu trong lĩnh vực di sản văn hóa. Ngoài ra, phía Cục cũng đang hướng đến việc không chỉ kết nối dữ liệu lĩnh vực bảo tàng, di sản trong nước mà xa hơn là kết nối với các nước trên thế giới.
Các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực VHTTDL.
Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục đã triển khai nhiều nhiệm vụ, sản phẩm chuyển đổi số. Và với những sản phẩm đã triển khai thì có phương án nào đưa vào hệ thống nền tảng chung nhằm giảm lãng phí về nguồn lực, kinh phí? Còn đại biểu đến từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lạ bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực an toàn thông tin khi thực hiện kết nối dữ liệu dùng chung.
Sau thời gian trao đổi, thảo luận, kết thúc buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc cảm ơn những chia sẻ của CEO Nguyễn Tử Quảng, qua đó đã giúp gợi mở về phương pháp luận, kiến trúc chuyển đổi số để giúp cho ngành VHTTDL có những bước thực hiện hiệu quả hơn cho công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của Bộ./.