Trong tháng 10 vừa qua, đoàn công tác của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với các chuyên gia tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm, số hóa di sản tài liệu Hán - Nôm tại các xã Phú Xuân và Phú Gia, huyện Phú Vang. Dù thời tiết gặp nhiều bất lợi, song các chuyên gia đã nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ tích cực từ các họ, tộc trên địa bàn nên đã nhanh chóng hoàn thành công tác chuyên môn. Các làng, họ tộc đã triển khai mở các hòm bộ sắc phong lưu trữ tài liệu Hán - Nôm để đoàn chuyên gia tiến hành số hóa, với 66 họ tộc (của 14 làng) và đã số hóa 12.200 trang tài liệu.
Công tác sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm đã được Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM triển khai từ năm 2009 và đã góp phần giữ gìn được khối lượng đồ sộ các di sản Hán - Nôm quý hiếm. Theo bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay đã có hơn 412.000 trang tài liệu Hán - Nôm được sưu tầm, số hóa ở 201 làng, gồm 989 họ tộc, 18 phủ đệ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có nhiều tài liệu quý đã được tìm thấy như: Sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, văn bằng, văn bản hành chính, sách thuốc, lịch sử, hương ước, văn tế… Chỉ trong 2 năm gần đây, dù điều kiện thời tiết bất lợi và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đoàn chuyên gia cũng đã tổ chức số hóa được khoảng 200.000 trang tài liệu Hán - Nôm, chiếm khoảng 50% khối lượng kể từ khi triển khai đề án số hóa trong hơn 12 năm qua.
Đoàn cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai công tác số hóa tài liệu Hán - Nôm tại các họ tộc, làng xã
Theo Quyết định 508/QĐ-UBND ngày 21.2.2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về “Kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020- 2024”, trong giai đoạn này sẽ triển khai sưu tầm, số hóa nhiều loại hình tài liệu Hán - Nôm quý ở 100 làng, với 320 họ tộc, 40 phủ đệ và tư gia, 30 cơ sở tôn giáo. Các tài liệu đã số hóa được Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị để phân loại, phiên dịch, xuất bản thành tài liệu số để lưu trữ tập trung trong hệ thống lưu trữ của thư viện. Ngoài ra xây dựng phần mềm quản lý chuyên ngành, trang thông tin quảng bá cũng như tổ chức các hoạt động in ấn các bộ sắc phong với khổ tấm lớn để trưng bày triển lãm; lựa chọn một số tài liệu quý để xuất bản sách, ấn phẩm giới thiệu đến các độc giả.
Không chỉ triển khai sưu tầm, số hóa, nhiều năm qua, Thư viện Tổng hợp tỉnh và các chuyên gia cũng đã triển khai nhiều chương trình tập huấn về công tác bảo quản, lưu trữ di sản tài liệu Hán - Nôm, cũng như tiến hành phục chế các tài liệu quý như sắc phong, chế phong, chiếu chỉ bị ẩm mốc, hư hỏng, rách… để giúp cho các làng xã, họ tộc giữ gìn được “báu vật” của ông cha để lại. Chương trình tập huấn tập trung cung cấp các nội dung về phương pháp, kỹ thuật bảo quản tài liệu Hán - Nôm và các dạng tài liệu quý đang được lưu trữ tại dòng họ, tư gia; hướng dẫn và trau dồi kỹ năng về các phương pháp kỹ thuật phục chế, bảo quản tài liệu Hán - Nôm bị hư hỏng nặng… Đồng thời, lớp tập huấn cũng góp phần tuyên truyền đến các chủ sở hữu di sản tài liệu Hán - Nôm về ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác bảo quản và phát huy giá trị di sản quý đang được các họ tộc, tư gia lưu giữ.
Theo lãnh đạo Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, từ nay đến hết năm 2022, đoàn công tác của thư viện sẽ tiếp tục sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm tại các địa bàn ở khu vực TP Huế, mở lớp tập huấn công tác bảo quản tài liệu cho các làng xã, họ tộc ở thị xã Hương Trà; tổ chức phục chế sắc phong, chế, chiếu chỉ tại huyện Phú Lộc và Phú Vang. Đồng thời, tổ chức hoạt động trưng bày triển lãm giới thiệu các di sản tài liệu Hán - Nôm có giá trị đến với nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và các thành phần có liên quan khác.