Ngành Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến trên các website và nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, TikTok.
Cùng với tạo ra nhiều sản phẩm, hình ảnh du lịch mới, hấp dẫn để thu hút du khách, kích thích tăng trưởng, hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến trên các website và nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, TikTok... nhằm thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo khách du lịch và người dân mà không bị giới hạn về không gian, thời gian.
Là một trong những tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch sớm nhất cả nước, từ năm 2006, ngành Du lịch Ninh Bình đã triển khai website và duy trì hoạt động ngày càng hiệu quả của 3 trang thông tin điện tử tổng hợp về du lịch. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc kết hợp truyền thông giữa các trang Thông tin điện tử và các nền tảng số, mạng xã hội đã phát huy rất tốt hiệu quả.
Du khách quốc tế tham quan tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, hợp tác trong chuyển đổi số để phát triển du lịch là yêu cầu tất yếu. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng để duy trì các kênh thông tin, quảng bá sản phẩm tới du khách. Vì vậy, bên cạnh việc ký kết hợp tác, Sở đang tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch, là nền tảng để triển khai các nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng cổng mua bán dịch vụ du lịch trực tuyến… Đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông lớn để đặt hàng các sản phẩm quảng bá online, định hướng việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Hiện nay Sở đang tập trung triển khai xây dựng hệ thống thông tin số để quản lý tích hợp toàn bộ các thông tin điện tử, tạo cơ sở dữ liệu số hóa toàn ngành, số hóa trong quản lý, quảng bá, quy hoạch định hướng phát triển của ngành. Từ đó giúp ngành xây dựng định hướng phát triển và quản lý các hoạt động du lịch hiệu quả cao hơn. Các cơ sở, Khu điểm du lịch đã có cơ sở dữ liệu số hóa hình ảnh và thông tin cơ bản đã có trên các thông tin điện tử. Hiện đang đẩy mạnh số hóa theo sử dụng công nghệ thực tế ảo để giúp du lịch tìm hiểu và thực hiện các tua ảo trên không gian số. Xây dựng đưa vào hoạt động chính thức hệ thống thông tin số, có hệ thống camera giám sát, kiot thông minh ở các Khu vực đón tiếp khách giúp du khách tìm kiếm thông tin, quản lý vé, lượng khách ra vào, giúp cho ngành quản lý, khai thác tài nguyên dài hơn và chuyên nghiệp hơn.
Quảng bá, xúc tiến Du lịch qua nền tảng số đã tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách. Đây cũng là kênh chia sẻ quan trọng trong tiếp nhận phản hồi của du khách, hướng tới cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.
(Nguồn:Đài PT&TH Ninh Bình - nbtv.vn)